Chủ Nhật, 24/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 4/5/2018 10:22'(GMT+7)

Thứ trưởng Lê Quân: “Sẽ đưa STEM và ngoại ngữ vào dạy trong các trường nghề”

Nhóm ngành STEM bao gồm những nhóm ngành liên quan chủ yếu đến các ngành: Khoa học (Science) – Công nghệ (Technology) – Kỹ thuật (Engineering) – Toán học (Mathematics) đang thu hút sự chú ý của nhiều học viên. Về cơ hội việc làm cho người lao động có trình độ trung cấp hoặc chứng chỉ nghề thuộc nhóm ngành STEM, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

 

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội

 

Thưa ông, hiện nay việc tuyển sinh học nghề hiện rất khó khăn do học sinh và phụ huynh lựa chọn việc học đại học thế nhưng việc làm sau khi tốt nghiệp đại học lại là cả một vấn đề. Vậy theo ông nguyên nhân chính do đâu?

Việc này không hẳn do giáo dục đại học. Nền kinh tế nước ta hiện nay, các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ không qua đào tạo. Doanh nghiệp trong nước thì yếu, không chịu và cũng không đủ năng lực để đầu tư nghiên cứu phát triển; chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản còn lĩnh vực sản xuất, sáng tạo rất hiếm nên nhu cầu nhân lực trình độ cao không nhiều. Với quy mô đào tạo đại học như chúng ta hiện nay, sinh viên ra trường có việc làm thì vẫn có nhưng không đúng với trình độ đào tạo, tỷ lệ mấy chục phần trăm làm việc dưới trình độ.

Chất lượng lao động của mình yếu, tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay mới có 22%. Trong 22% đó rất nhiều người làm dưới trình độ, làm không đúng công việc nên năng suất lao động thấp.

Năng suất lao động mình thấp là do theo chu kỳ nền kinh tế. Giáo dục nghề nghiệp trong 3 đến 5 năm nữa sẽ phát triển do chu kỳ nền kinh tế phát triển tốt dẫn tới nhu cầu học nghề cao.

Dạy nghề khác đại học, nếu đại học anh phải dạy rất nhiều về tư duy và mất thời gian, công sức còn dạy nghề thì khác, doanh nghiệp cứ đặt hàng, chỉ 6 tháng sau là các trường nghề sẽ cung cấp người. Vấn đề khó khăn là các doanh nghiệp kêu ca nhân sự không đáp ứng được chất lượng nhưng lại không đặt hàng với trường. Doanh nghiệp không đặt hàng thì các trường chỉ có thể đào tạo cái họ có và khi tuyển dụng, doanh nghiệp lại phải đào tạo cái họ cần. Điều này là do cung – cầu chưa gặp nhau, gây nên lãng phí.

title=/

Bộ LĐTB &XHsẽ có chủ trương triển khai hoạt động đào tạo ngoại ngữ và STEM trong các trường nghề

Trên thực tế, nhiều khi doanh nghiệp cũng không biết họ cần gì nữa chứ không phải họ không yêu cầu. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Tôi đã từng làm tư vấn về quản lý nhân sự nên tôi biết nhiều doanh nghiệp khi chuyên gia đến phân tích nhu cầu của họ thì họ mới biết cần cái gì. Họ chỉ biết tuyển dụng và giao việc nhưng chưa thực sự để ý đến quy trình đào tạo nội bộ. Đây cũng là cái khó khiến cung – cầu chưa gặp nhau. Nếu các doanh nghiệp lớn không đặt hàng trước cho các trường nghề thì rất khó tuyển ngay được thợ lành nghề.

Thưa ông, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có những biện pháp gì để đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động?

Đầu năm 2018, Bộ đã có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sự quản lý của mình thực hiện gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ký kết hợp tác với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp triển khai hoạt động phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới đây, Bộ sẽ có chủ trương triển khai hoạt động đào tạo ngoại ngữ và STEM trong các trường nghề. Các trường nghề sẽ phối hợp với Liên minh STEM Việt Nam và các cơ sở ngoại ngữ uy tín để triển khai hoạt động này trong trường học. Học sinh sau khi tốt nghiệp có thể có cả bằng nghề và bằng ngoại ngữ. Khi áp dụng chương trình STEM thành công, sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra với các em qua các nghề nghiệp khoa học, công nghệ, cơ khí…

Đây có thể coi là bước đột phá về hình thức và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và phụ huynh, học sinh nào cũng tiếp cận được thông tin này. Xin ông cho biết, Bộ LĐ-TB&XH có hình thức nào tuyên truyền sâu rộng tới đại bộ phận dân chúng?

Bộ đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng một App (ứng dụng trực tuyến) về chọn nghề sẽ ra mắt trong kỳ họp Quốc hội tới đây. Các trường sẽ chủ động cập nhật thông tin trường mình, mọi người chỉ cần cài App trên điện thoại, chỉ với một vài thao tác là tìm hiểu được đầy đủ thông tin về trường, nghề và đăng ký trực tuyến.

title=/

 

App chọn trường, chọn nghề sẽ ra mắt cuối tháng 5/2018

 

Vâng, xin cảm ơn ông!

Ông Lê Quân là một trong những người đầu tiên tạo cho cộng đồng nhân sự Việt Nam ngày riêng của mình – Ngày nhân sự Việt Nam; khởi xướng và tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân và rất gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp Việt từ khi còn là giảng viên trong trường đại học.

Khi được giao trọng trách giúp Bộ trưởng chỉ đạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông rất trăn trở về việc đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. Thứ trưởng cho biết, trước đây các trường cao đẳng dạy theo tính chất là đại học rút gọn thì thu hút được nhiều học viên do khi trượt đại học, học sinh sẽ vào học cao đẳng để sau này học liên thông. Tuy nhiên, hiện nay dạy nghề theo hình thức dạy đại học rút gọn sẽ không tuyển được học sinh do con đường đại học hiện rất rộng mở./.

Tùng Vân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất