Việt Nam mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững.
Tại phiên bế mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – mạng lưới một hành tinh với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới” ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, vấn đề đã trở nên cấp bách và bây giờ là thời điểm phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh, bảo vệ sự tồn tại của chúng ta và của cả các thế hệ mai sau.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là một trong số các nội dung có thể hành động ngay, góp phần thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu. Để triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp, tư nhân và người dân cùng chung tay thực hiện theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, như: FAO, UNDP, UNIDO, WWF, One CGIAR, CIAT, IRRI… và các đối tác phát triển khác để triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia này.
Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, truyền thông cho cộng đồng về thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng hợp lý – tránh thất thoát lãng phí thực phẩm và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối. Đồng thời, kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cũng cần được triển khai thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết./.
Theo TTXVN