Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định trong năm 2013, Cục Viễn
thông đã làm rất tốt công tác quản lý Nhà nước, tác động tích cực đến
thị trường, người dùng dịch vụ viễn thông. Dự kiến, 2014 sẽ là năm của
chất lượng viễn thông, sau khi giá cước đã tương đối phù hợp với thu
nhập của người dân.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông
diễn ra sáng 13/12/2013, ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam
Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà
nước năm 2013 của Cục Viễn thông.
Trước hết là việc quản lý, triển khai Thông tư số 14/2012 của Bộ
TT&TT quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất, đặc biệt
là cước hòa mạng. Thông tư 14/2012 đã giải quyết đúng điểm mấu chốt của
vấn đề sim số ảo, mua sim dùng thay thẻ, đóng góp lớn vào việc luật hóa
chính sách để thị trường phát triển bền vững.
Một hoạt động khác được Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao là
điều chỉnh, quản lý giá cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Cuối
năm 2012, giá mỗi phút kết nối là 2,5 - 2,7 cents, đồng nghĩa với việc
doanh nghiệp viễn thông phải bán dịch vụ dưới mức giá thành, làm ăn thua
lỗ khiến thị trường gần như bị ngưng đọng. Sau khi Cục Viễn thông phối
hợp với các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước lên mức 6,1 cent/phút từ
1/4/2013 (dự tính mang lại cho quốc gia 100 triệu USD/năm) thì doanh
nghiệp viễn thông đã có doanh thu lớn, bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt
hơn và thị trường phát triển bền vững hơn.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đánh giá cao hoạt động điều chỉnh giá
cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có 3G, hoàn toàn phù hợp với
chính sách, quy định hiện hành. Bộ Công Thương và Bộ TT&TT đang tiếp
tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị
trường, giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị
trường và mặt bằng giá chung của khu vực.
Về hoạt động xây dựng văn bản, chính sách pháp luật, Thứ trưởng Lê
Nam Thắng khẳng định trong năm qua, Cục Viễn thông đã triển khai khối
lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần luật hóa các cơ chế chính
sách quan trọng trong lĩnh vực viễn thông, có tác động mạnh đến thị
trường viễn thông. Trong đó, có 3 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ
đáng chú ý nhất. Một là Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch
vụ Internet và thông tin trên mạng, với những quy định rõ ràng, minh
bạch hơn, tạo hành lang cho Internet Việt Nam phát triển; đồng thời cũng
có cơ chế, giải pháp để ngăn chặn tiêu cực, tác hại nảy sinh trên
Internet. Hành lang pháp lý quan trọng mới này đối với sự phát triển
Internet tại Việt Nam được Chính phủ đánh giá cao, đích thân Thủ tướng
Chính phủ đã nhắc nhở sớm triển khai Nghị định này trong cuộc sống.
Hai là đề án tái cơ cấu VNPT do Cục Viễn thông xây dựng với vai trò
Tổ trưởng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công
ty Nhà nước. Đây là một bước ngoặt quyết định đối với Tập đoàn VNPT, ảnh
hưởng tới thị trường viễn thông, người sử dụng các dịch vụ cũng như bộ
máy, nhân sự của VNPT (sau đề án tái cơ cấu VNPT, Cục Viễn thông
lại tiến hành đề án tổ chức lại Bưu điện Trung ương).
Ba là dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 191 về Chương trình
Viễn thông công ích. Cục Viễn thông đã khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện
trạng triển khai trong giai đoạn trước để xây dựng chương trình mới phù
hợp hơn.
Đối với các văn bản trình Bộ TT&TT ban hành, có 2 văn bản tác
động rõ rệt tới sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam gồm
Thông tư số 14/2013 của Bộ TT&TT hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ
chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa
phương; và Thông tư liên tịch số 14 giữa ba Bộ TT&TT - Tài chính -
Xây dựng hướng dẫn về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp
xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Bàn về định hướng công tác năm 2014, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu Cục Viễn thông tập trung vào một số nội dung quan trọng.
"Đối với quản lý viễn thông, quan trọng nhất là quản lý thị trường,
còn về kỹ thuật nghiệp vụ (quản lý kho số, kết nối) thì từng bước hoàn
chỉnh. Cơ quan quản lý Nhà nước phải bảo đảm thị trường viễn thông cạnh
tranh, phát triển bền vững. Sau khi đề án tái cơ cấu VNPT được Chính phủ
phê duyệt, Cục Viễn thông phải xem xét
hoạt động tái cơ cấu các doanh
nghiệp Nhà nước khác trong lĩnh vực viễn thông như Gtel, SPT,… Đồng
thời, cần tập trung xây dựng Nghị định về quản lý thị trường viễn thông
theo hướng phát triển bền vững", Thứ trưởng Lê Nam Thắng lưu ý.
Về giá cước, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, giá cước dịch vụ viễn
thông của Việt Nam đã đạt mức tương đương hoặc thấp hơn mức trung bình
của khu vực và thế giới, tương đối phù hợp thu nhập người dân. Vấn đề
cần quan tâm nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ. "Có thể lấy 2014 là
năm về chất lượng dịch vụ viễn thông, tập trung nâng cao chất lượng dịch
vụ viễn thông nói chung, đặc biệt là các dịch vụ quan trọng như truy
nhập Internet băng rộng, di động, 3G", Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề xuất./.
Theo ICTnews