Các website du lịch của Việt Nam chỉ "giữ chân" khách khoảng 9 phút/lần
truy cập tìm kiếm thông tin, trong khi thời lượng trung bình của các
website du lịch trên thế giới là 25,6 phút. Việt Nam đang đứng cuối bảng
về du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á.
Tại buổi Tập huấn Kỹ năng ứng dụng công cụ tiếp thị điện tử trong
ngành du lịch do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa - Thể
thao & Du lịch Hải Phòng tổ chức sáng nay, 5/12/2013, ở Hải Phòng,
ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại
điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ một số thông tin đáng chú ý về hiện
trạng du lịch trực tuyến tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi
để phát triển kinh doanh du lịch trực tuyến. Chẳng hạn, dân số xấp xỉ 90
triệu người, số lượng người sử dụng Internet tăng trưởng nhanh, đang
đứng ở vị trí 16 thế giới về số lượng người dùng Internet, đứng thứ 2
khu vực Đông Nam Á về thời gian trung bình người sử dụng dành để truy
cập Internet…
Tuy nhiên, trên thực tế, so với các ngành kinh tế khác thì du lịch
còn có hoạt động kinh doanh tương đối yếu trên Internet. Ông Nguyễn
Thanh Hưng trích dẫn số liệu từ điều tra mới nhất của Cục Thương mại
điện tử & CNTT, Bộ Công Thương về hành vi mua sắm thương mại điện tử
tại Việt Nam, trong đó, mới có 16% người được khảo sát từng tham gia
hoạt động du lịch trực tuyến (chủ yếu là mua vé máy bay và đặt chỗ khách
sạn); hoặc dịch vụ du lịch đứng thứ 4 từ dưới lên trong danh sách sản
phẩm/dịch vụ phổ biến trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện
tử.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh con số thời lượng mà
khách du lịch dừng lại tại 1 website du lịch để tìm kiếm những thông tin
như cơ hội tìm khách sạn giá rẻ hoặc tuor du lịch hấp dẫn,… Trung bình,
website du lịch Việt Nam có thể giữ chân khách thăm khoảng 9 phút/lần
truy cập, trong khi con số tương ứng của website du lịch thế giới lên
tới 25,6 phút. Một trong những nguyên nhân chính là các website du lịch
Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Nói chung trong lĩnh
vực du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á thì Việt Nam đang đứng ở vị trí số 1
từ dưới lên.
Lấy ngay Hải Phòng làm ví dụ minh họa, ông Nguyễn Thanh Hưng nói:
“Hải Phòng có tới 300 khách sạn, cơ sở phục vụ khách du lịch nhưng trên
các website du lịch nổi tiếng như Agoda, Priceline… thì các thương hiệu
kinh doanh du lịch Hải Phòng xuất hiện khá lèo tèo, thua xa các doanh
nghiệp du lịch của Hà Nội, TP.HCM… Đơn cử như trên Priceline hiện chỉ
tìm thấy 18 địa chỉ khách sạn của Hải Phòng”.
Thừa nhận hiện trạng du lịch trực tuyến tại Hải Phòng còn chưa phát
triển tương xứng tiềm năng, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm
Thông tin Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hải
Phòng cho biết, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hải Phòng chưa tạo được hạ
tầng tốt để tiếp thị qua công cụ điện tử, chẳng hạn chưa có website
quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoặc website chưa hoàn chỉnh.
“Đã đến lúc mỗi đơn vị kinh doanh du lịch phải phải ngừng kinh
doanh ít hôm, đi chơi ít hôm, ngẫm nghĩ xem bắt đầu làm du lịch trực
tuyến từ đâu và du lịch trực tuyến nằm ở vị trí nào trong chiến lược
kinh doanh của mình”, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến nghị./.
Theo ICTnews