Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra...
Sáng 8/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã
chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2017 và triển
khai nhiệm vụ năm 2018.
Phát hiện 157 văn bản trái pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, công tác xây dựng và hoàn
thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của
Chính phủ trong năm 2017, nhất là các thể chế về doanh nghiệp, đầu tư,
kinh doanh và an sinh xã hội. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi
tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm 41,67% so với cùng kỳ
năm 2016.
Năm 2017, không còn tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tình trạng nợ ban hành thông tư đã
giảm 24 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 và giảm năm văn bản so với cùng
kỳ năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, năm qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra
5.848 văn bản, phát hiện và kết luận, đề nghị xử lý đối với 157 văn bản
trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. Đến nay, 74 văn bản có
kết luận kiểm tra trong năm 2017 đã được xử lý. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã
có công văn báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xử lý đối với 19 văn bản trái
pháp luật đã được thông báo/kết luận trước năm 2016 nhưng chưa xử lý, cơ
bản đã xử lý xong 12 văn bản.
Về cải cách thủ tục hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa
cho biết Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết phê duyệt phương án đơn
giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân
cư; bốn nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh
doanh bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh lành mạnh và gây cản trở đến hoạt
động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ đã cung cấp dịch vụ công trực
tuyến mức độ 3, 4, với tổng số dịch vụ cung cấp trực tuyến mức độ 3 là
549; mức độ 4 là 377 dịch vụ. 58/63 tỉnh, thành phố đang cung cấp tổng
số 13.830 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)
Còn theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, thực hiện
nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 5.000 thủ tục
hành chính, giảm 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng
thời đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh trên các lĩnh
vực rượu, hóa chất...; đang tiếp tục xây dựng các văn bản để cắt giảm
gần 3.000 điều kiện kinh doanh, đảm bảo các quy định theo Luật Đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng Ngân hàng Thế giới
đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 hạng, đóng góp vào
chỉ số này có vai trò của Bộ Công Thương và Nông nghiệp-Phát triển nông
thôn trong sửa đổi các thể chế chính sách, của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
trong thực hiện kê khai thu nộp, thanh toán, quản lý bằng phương thức
điện tử.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ nếu không
cải cách, chính ngành mình sẽ “chết trước.” Bởi trước đây ngành Bảo hiểm
xã hội phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, nhiều người phải xin ra khỏi
ngành vì không chịu nổi. Sau khi cải cách hành chính, kết quả rõ nhất là
đã giải phóng được sức lao động, chỉ phải làm thứ bảy, còn chủ nhật
nghỉ thay vì phải làm như trước đây.
Tạo chuyển biến của toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn
còn những mặt hạn chế. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ ra rằng
vẫn còn tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thậm chí có chiều
hướng gia tăng, số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được
phát hiện tăng 21% so với năm 2016. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm
của Bộ trong năm 2018 là xử lý 83 văn bản trái luật.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng thủ tục hành chính trên một số
lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ
chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, việc sắp
xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng
mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn
chậm, kết quả còn hạn chế, ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công
bộc của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.
“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sức ỳ của bộ máy
hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn,
còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh," trên chuyển dưới chưa chuyển và
một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực,
yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách”,
Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy và
nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phổ biến quán triệt các chủ
trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính,
cải cách thủ tục hành chính, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ
thống chính trị và bộ máy công quyền.
“Làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy của
Bác Hồ: cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân,
trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ
đạo, điều hành cải cách hành chính, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành
chính trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; gắn kết
chặt chẽ công tác cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành
chính của các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong cải
cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới,
sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả; phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt
chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật,
đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công
nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh
tranh của nền kinh tế, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng chỉ rõ các bộ, ngành tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện
pháp luật về đầu tư; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về
điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt
động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục
hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu
tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng
đồng doanh nghiệp...
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng
cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất
đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông
tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã
hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch.../.
Chu Thanh Vân (TTXVN)