Bà May nêu ra nhiều thách thức nghiêm trọng mà các quốc gia thành viên
Liên hợp quốc đang phải đối mặt - từ các cuộc tấn công sử dụng vũ khí
hóa học tại Syria đến chủ nghĩa khủng bố và chênh lệch giàu-nghèo, và
kêu gọi thế giới đoàn kết.
Bà khẳng định: "Cách duy nhất để đối phó với hàng loạt thách thức lớn
này là cùng nhau bảo vệ trật tự quốc tế mà chúng ta đã rất khó khăn
thiết lập được và các giá trị chung mang tính nền tảng lâu nay chúng ta
vẫn theo đuổi, bao gồm công bằng, công lý và các quyền của con người."
Bà nhấn mạnh rằng chính hệ thống dựa trên luật lệ này là bệ phóng cho sự
hợp tác toàn cầu để bảo vệ các giá trị đó.
Bình luận trên của Thủ tướng Anh đi ngược lại với phát biểu một ngày
trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao chủ quyền quốc gia. Trong
bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Trump đã sử
dụng các từ "chủ quyền" hoặc "quyền chủ quyền" tới hơn 20 lần và khẳng
định: "Quốc gia - dân tộc vẫn là phương tiện tốt nhất để nâng cao các
điều kiện sống của con người."
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa của ông Trump đã hoàn toàn đi ngược lại với
các nỗ lực đa phương mà nước Mỹ ủng hộ trong nhiều thập kỷ qua, khiến
ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dưng (TPP),
đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng như thỏa
thuận hạt nhân Iran.
Ngược lại, Thủ tướng May viện dẫn cả thỏa thuận TPP và Hiệp định Paris
làm ví dụ cho một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, đảm bảo hòa bình và
thịnh vượng. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau bài phát biểu của mình, bà
May sẽ trở về London để chủ trì một cuộc họp nội các về việc rút Anh
khỏi Liên minh châu Âu (EU), vốn được coi là một thỏa thuận đa phương có
ý nghĩa nhất đối với London./.
Theo TTXVN