Thủ tướng yêu cầu Bạc Liêu phấn đấu để đưa xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD.
Tối 29/1, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với
lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế
xã hội.
Thủ tướng cho
rằng, tỉnh cần theo hướng phát triển xanh với 4 trụ, trong đó cần tập
trung đánh bắt nuôi trồng chế biến thủy sản, trọng tâm là nuôi tôm công
nghệ cao siêu thâm canh.
Từ thế mạnh của
địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đều ủng hộ Bạc Liêu chú
trọng phát triển năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời. Cùng
với đó là phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm chất
lượng cao, xuất khẩu.
Bạc Liêu là tỉnh
ven biển vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Với bờ biển dài, gió mạnh và ổn
định và nắng quanh năm, Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển
điện gió và điện mặt trời. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, sẽ phát
triển điện gió với công suất hơn 400MW vào năm 2020 và lên đến trên
2.500 MW vào năm 2030.
Cũng với bờ biển
dài gần 60km, có cả vùng nước ngọt và nước lợ, nước mặn, tỉnh có tiềm
năng rất lớn về nuôi tôm xuất khẩu. Trong 210.000 tấn nuôi trồng thủy
sản hàng năm, riêng nuôi tôm đạt 115.000 tấn, đứng thứ hai cả nước, kim
ngạch xuất khẩu đạt gần 530 triệu USD. Do đó, thế mạnh phát triển của
tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao, và hiện lĩnh vực này chiếm trên 43%
cơ cấu kinh tế tỉnh.
Bạc Liêu còn là
vùng đất đậm chất văn hóa Nam bộ, một trong những cái nôi của Đờn ca tài
tử gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài
lang. Cùng với nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Kinh-Khơme-Hoa,
Bạc Liêu có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo báo cáo của
tỉnh, năm 2017, tăng trưởng kinh tế của đạt 6,5%; thu ngân sách đạt gần
2.870 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 37 triệu đồng.
Kết luận buổi làm
việc, Thủ tướng đánh giá Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế cả
kinh tế và văn hóa. Cùng với tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước thì
cơ cấu kinh tế cải thiện tích cực. Tỉnh cũng đã có chương trình tái cơ
cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và dựa vào lợi thế so
sánh của địa phương, ứng dụng công nghệ cao.
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thủ tướng cũng
đánh giá cao Bạc Liêu đề nghị dừng thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện
Cái Cùng trong Tổng sơ đồ điện 7 trên địa bàn tỉnh, bảo đảm môi trường
và không mâu thuẫn với phát triển nuôi tôm công nghệ cao.
Tuy vậy, Thủ
tướng lưu ý tỉnh vẫn đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, nước biển
dâng, nhất là cửa biển Gành Hào. Cùng với quy mô kinh tế còn nhỏ thì
kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi còn thiếu và yếu. Thu ngân sách
của tỉnh mới đảm bảo khoảng 52% chi.
Số doanh nghiệp
còn ít và quy mô doanh nghiệp còn nhỏ. Môi trường kinh doanh còn cần
tiếp tục phải cải thiện, trong đó Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
năm 2016 đã tụt 8 bậc so với năm 2015, đứng thứ 41/63 tỉnh thành. Với tỷ
lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn lớn, Thủ tướng cho
rằng đây là bài toán cần giải và Thủ tướng tán thành với quan điểm cần
ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại tỉnh.
Cho rằng Bạc Liêu
tuy khó khăn nhưng có điều kiện phát triển tốt hơn so với những tỉnh
miền núi ở miền Trung, thậm chí so với cả một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu
Long, Thủ tướng nhấn mạnh: Bạc Liêu là một trong hai nơi trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam bằng giải pháp sản xuất tôm thâm canh năng suất cao. Năm
nay một doanh nghiệp ở Cà mau đã có doanh thu 800-900 triệu USD và vài
năm nữa đạt 1 tỷ USD, đó là doanh nghiệp có doanh thu cao nhất thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bạc Liêu phấn đấu để đưa xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD.
Cùng với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển khác, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao Bạc Liêu lại không trở thành tỉnh khá.
"Với tiềm năng
lợi thế như nuôi tôm nước lợ thâm canh năng suất cao; du lịch; năng
lượng tái tạo; nông nghiệp, lúa gạo chất lượng cao; bốn lĩnh vực sản
phẩm quan trọng này thì một câu hỏi là bao giờ chúng ta tự cân đối được
ngân sách, chứ không phải Nhà nước phải hỗ trợ 48%. Câu hỏi đó day dứt
chúng ta để chúng ta có một quyết tâm tổ chức thực hiện", Thủ tướng lưu
ý.
Chính vì vậy, Thủ
tướng yêu cầu Bạc Liêu cần theo hướng phát triển xanh với 4 trụ cột.
Trong đó phải tập trung đánh bắt nuôi trồng chế biến thủy sản, trọng tâm
là nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh; Chú trọng công nghiệp chế
biến thủy sản, trong đó chú trọng chế biến tôm chất lượng cao, có giá
trị gia tăng cao; Cùng với phát triển vùng nuôi tôm là quy hoạch phát
triển năng lượng tái tạo.
Hoan nghênh Bạc
Liêu đề nghị dừng một dự án nhiệt điện than, Thủ tướng cho rằng cần bù
đắp sản lượng điện bằng điện gió, điện mặt trời cho Tổng sơ đồ điện VII;
Dựa trên thế mạnh, tỉnh cần quan tâm phát triển du lịch – dịch vụ với
việc tổ chức các tua tuyến riêng cho vùng Bạc Liêu.
Thủ tướng cũng cho rằng, Bạc Liêu phát triển cần kết nối chặt chẽ với
vùng Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Cửu Long, cả kết nối quy
hoạch, thị trường và phân công sản xuất. Song song với đó, Bạc Liêu phải
trở thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước, cả giống, chế biến thức
ăn, với mô hình nuôi công nghệ cao hiệu quả. Nhanh chóng nâng cao chất
lượng tôm và đặc biệt là đảm bảo môi trường nước phục vụ cho việc nuôi
tôm. Muốn vậy thì công tác quy hoạch phải đảm bảo cho mục tiêu này.
Tỉnh cũng cần cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng cải thiện các
chỉ số cạnh tranh, nhất là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bạc Liêu
cũng cần chú trọng thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện
các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 01/2018; chú ý chăm lo Tết cho người
nghèo.
Tại buổi làm
việc, Thủ tướng đồng ý về chủ trương để Bạc Liêu thuê tư vấn nước ngoài
xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhưng phải thông
qua đấu thầu để lựa chọn. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch bài
bản, lan tỏa trong chiến lược phát triển là rất quan trọng. Thủ tướng
cũng giải quyết một số kiến nghị khác của tỉnh về vấn đề ứng phó biến
đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ xây dựng khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu…/.
Theo vov.vn