Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương xem xét xử lý, giải quyết và nghiên cứu, đề xuất về một số vấn đề được báo chí phản ánh.
Xử lý phản ánh của Báo Bnews điện tử về việc chính sách phát triển kinh tế số của Việt Nam chậm
Báo Bnews điện tử (Thông tấn xã Việt Nam) số ra ngày 29/5/2019 thông tin: Theo nghiên cứu của Google và Temasek, kinh tế số của Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018 và tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, chính sách phát triển kinh tế số của Việt Nam đang chậm so với các nước trong khu vực và hạ tầng kinh tế số không phát triển tác động tới nền tảng phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đề xuất.
Nghiên cứu thông tin báo nêu về thiếu hụt cơ sở hạ tầng du lịch
Thời báo Quản trị điện tử (The LEADER.vn) số ra ngày 20/5/2019 đưa tin: Theo báo cáo khảo sát về du lịch ASEAN của Tập đoàn tài chính Maybank King Eng, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng đang tạo ra khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực. Việt Nam đang thiếu khách sạn chất lượng, vì có tới 80% số lượng phòng khách sạn ở tiêu chuẩn dưới 3 sao; hầu hết các chuỗi khách sạn đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ và mức thâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế chỉ là 1,4%, thấp nhất trong số các thị trường lớn ở ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế ở Thái Lan là 6,6%, Indonesia là 6,5%, Malaysia 10,2% và của Singapore lên tới 54,8%.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý vấn đề báo nêu về thiếu hụt cơ sở hạ tầng du lịch.
Xử lý phản ánh "Hà Nội không coi trọng ngành du lịch"
Theo phản ánh của Báo VTC điện tử: Ngành du lịch của Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Nổi cộm nhất là vấn đề số lượng du khách quay trở lại thấp, mức chi tiêu không cao và thời gian lưu lại ngắn ngày. Lý do quan trọng nhất là những nhà làm công tác quản lý du lịch của Hà Nội không coi trọng ngành du lịch.
Cũng theo Báo VTC điện tử phản ánh, Hà Nội chưa biết tận dụng hết các ưu điểm, ngoài di tích, không có gì để khách chơi và chi tiêu, một đô thị gắn liền với mua sắm nhưng không có trung tâm lưu niệm đồ Việt nào tin cậy để mua.
Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, xử lý vấn đề đã nêu.
Đề xuất vấn đề nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao một số bộ nghiên cứu, đề xuất về vấn đề báo chí phản ánh: Thách thức trong công nghiệp 4.0 của Việt Nam là nguồn nhân lực đang tụt hậu so với các nước ASEAN khác.
Bài viết về “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức của Việt Nam” trên báo Bnews điện tử (Thông tấn xã Việt Nam) số ra ngày 29/5/2019 phản ánh: Theo Trường nghiên cứu quốc tế RSIS Singapore, thách thức trong công nghiệp 4.0 của Việt Nam là nguồn nhân lực đang tụt hậu so với các nước ASEAN khác; không có chính sách hay ưu tiên rõ ràng định hướng cho khoa học, công nghệ. Việt Nam cần có tầm nhìn rõ ràng cho công nghiệp 4.0 và chiến lược hiện thực hóa; cung cấp đủ nguồn lực và tài chính đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, tạo môi trường khuyến khích đổi mới, tận dụng các học viện quốc tế, tổ chức đa phương để chuyển giao kiến thức tiên tiến.
Về thông tin báo nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đề xuất…
TTX