(TG)-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Chương trình hướng đến 3 mục tiêu cụ thể là: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Chương trình Sức khỏe Việt Nam là một chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe.
Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của Chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là toàn dân, trong đó có nhóm đối tượng được ưu tiên xác định theo từng lĩnh vực cụ thể.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm. Thứ nhất, nâng cao sức khỏe: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.
Thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm.
Thứ ba, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe người lao động.
Đối với những nội dung khác không đề cập trong 11 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình Sức khỏe Việt Nam thì các bộ, ngành, địa phương vẫn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để ưu tiên triển khai theo ngành, lĩnh vực.
Chương trình đưa ra 6 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm gồm: Giải pháp về quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành; giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ; giải pháp về truyền thông vận động xã hội; giải pháp về nguồn lực; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về theo dõi, giám sát và đánh giá.
Trong đó, giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ, đảo đảm dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc dinh dưỡng cho 1000 ngày vàng đầu đời bao gồm: thực hiện chăm sóc và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và giảm muối trong khẩu phần ăn, tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư vấn về dinh dưỡng cho người lao động; tăng cường vận động thể lực cho người dân, hỗ trợ người dân tăng cường vận động thể lực theo khuyến cáo; tăng cường vận động thể chất cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh: tiêm chủng cho trẻ em, bảo đảm việc cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh, giáo dục thay đổi hành vi cho học sinh về dinh dưỡng hợp lý; chăm sóc mắt cho trẻ em, cung cấp các dụng cụ, công cụ đơn giản cho các trạm y tế xã và các trường học kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em, học sinh thường xuyên tự đánh giá phát hiện ban đầu tình trạng giảm thể lực, tổ chức khám, kê đơn kính, theo dõi và hướng dẫn chăm sóc mắt cho những trẻ em, học sinh giảm thị lực.../.
TG