Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một
thập niên phát triển bền vững hơn” hướng đến cột mốc năm 2030 đã diễn ra
chiều 12/9, tại |Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chủ trì phiên toàn thể của sự kiện quy mô lớn này.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ
tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ
quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội
doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc
tế, các viện nghiên cứu.
Năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng
doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững tiếp tục được Chính phủ, Hội
đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh
giao trách nhiệm tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm
2019 với sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan.
HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã
nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả,
được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu
theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp
quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển
bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính
sách, kế hoạch hành động.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền
vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các
cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của
cộng đồng quốc tế. “Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện
thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030
của Liên hợp quốc”.
Các hội thảo chuyên đề tại Hội nghị lần này tập trung thảo luận những
chủ đề trọng điểm được quan tâm hiện nay, đó là: Nhân rộng ứng dụng mô
hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, sử dụng tối ưu và hiệu quả hơn các
nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu, sản phẩm và giá trị được tạo ra từ
chúng, giảm thiểu thất thoát và lãng phí cho nền kinh tế; Thúc đẩy mô
hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có
một cách hiệu quả hơn, tối đa hóa giá trị nguồn đầu tư, hạn chế rủi ro
và thúc đẩy sáng tạo trong trong thiết kế, thi công, kinh doanh và quản
lý; Xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số
Vốn con người, sự tham gia, điều phối của các chính phủ trong việc nâng
cấp, cải thiện hạ tầng xã hội nhằm đầu tư hiệu quả hơn vào xây dựng
nguồn vốn nhân lực trong dài hạn.
Trong phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, thách thức
mà Việt Nam gặp phải chính là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao
trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút các nhà
đầu tư công nghệ cao. Do đó, phát triển nguồn nhân lực phải là một nhiệm
vụ trọng tâm cần được ưu tiên hơn nữa.
Song song với đầu tư từ nhà nước thì đầu tư tư nhân trong lĩnh vực
giáo dục và đào tạo cần tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời tạo sự gắn kết
chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, nhà tuyển
dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải bài toán giữa vấn đề phát triển
kinh tế và bảo vệ môi trường thì “kinh tế tuần hoàn” là một lời giải
quan trọng mà nhiều nước đang tiến tới. Do đó, cần phải thúc đẩy phát
triển kinh tế theo hướng này, đặc biệt là có cơ chế khuyến khích, thúc
đẩy doanh nghiệp tham gia, qua đó hướng tới một nền kinh tế xanh, phát
triển bền vững.
Muốn làm được điều này, theo đề xuất của phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam, cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn để hỗ
trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.
THỐNG NHẤT NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG
Phát biểu tại Phiên toàn thể chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế
tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, chủ trương phát triển
bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình,
kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ
nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành
tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Thông tin về những chỉ số phát triển của Việt Nam như Chỉ số phát
triển con người (HDI) năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong
tổng số 189 quốc gia; xếp hạng cao về xoá đói giảm nghèo, giáo dục...,
song, Thủ tướng cho rằng, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm
năng, lợi thế của đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác và sử dụng
kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, mất cân
đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi.
Do đó, Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động
trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững;
tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, đặc biệt là "đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững".
Bên cạnh đó là các mục tiêu như đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu
vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán
trong mọi giai đoạn phát triển.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương
trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung
xuyên suốt trong chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế
hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện
thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên,
tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới
công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát
triển kinh tế bền vững. Thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng
trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế
tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững.
Thủ tướng nhắc lại nội dung phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 tại Đan Mạch vào tháng 10/2018, theo đó, Việt Nam cam kết
chung tay hành động cùng với các Chính phủ thành viên của Hội nghị nhằm
hiện thực hóa mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030, thúc đẩy các dự án
hợp tác công-tư trong tăng trưởng xanh,
đặc biệt là các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông
nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh… vì mục tiêu phát
triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất
lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả
về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát
triển con người.
Đi liền với đó là tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu
vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng
Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền
kinh tế số. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, có
chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và
nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát
huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội
thịnh vượng.
Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ,
ngành liên quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam căn cứ kết
luận Hội nghị, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển
bền vững.
Các bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực
hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ
tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Những
tiêu chí này phải mang tính định lượng, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực
khác, có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát./.
Quang Vũ (TTXVN)