Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết Chính phủ có kế hoạch, mỗi quý lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với thành phố một lần để kiểm điểm, rà soát, đôn đốc công việc, tháo gỡ vướng mắc...
Ngày 27/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 7 tháng của năm 2022 và nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố và giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án này.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại sự vất vả, thậm chí hy sinh của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, nhờ nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có các cấp ủy đảng, chính quyền, quân, dân Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, có điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho biết Chính phủ có kế hoạch, mỗi quý lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với thành phố một lần để kiểm điểm, rà soát, đôn đốc công việc, tháo gỡ vướng mắc, đề ra nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lập tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có nhiều vấn đề liên quan và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để thường xuyên phối hợp, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển Thành phố.
Cuộc làm việc hôm nay tập trung kiểm điểm việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển; tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19; thúc đẩy đầu tư công; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch của Thành phố.
Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch COVID-19 ảnh hưởng tới Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, bước vào năm 2022, Thành phố đã tập trung mọi nỗ lực để phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững, đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, kinh tế phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện; tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 3,82%, tốc độ tăng trưởng quý 2 tăng hơn 3 lần so với quý 1.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 282 nghìn tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, du lịch có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ; các hoạt động văn hóa - xã hội sôi động trở lại. An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả. Quốc phòng-an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt.
Đáng chú ý, Thành phố đã hoàn thành 13/16 nhóm nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 112/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; đang tích cực thực hiện 3/16 nhiệm vụ khác.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan 15 nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và các nội dung liên quan các công việc cụ thể như: Vốn cho dự án xây dựng tuyến đường vành đai 3; khởi động tuyến đường vành đai 4 của Thành phố; việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định; công tác quản lý nhà, đất; quỹ thanh toán cho các hợp đồng với nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ Thành phố; vướng mắc các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất các giải pháp để Thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Kết luận buổi làm việc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, tri ân đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng của Thành phố.
Thủ tướng bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những khó khăn, nhọc nhằn, mất mát trong phòng, chống dịch COVID-19; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Thành phố do đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt là trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh biểu dương những kết quả nổi bật, Thủ tướng đã chỉ ra một số hạn chế mà Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý khắc phục như: Tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực chưa cao. Công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước; một số vấn đề bức xúc chậm được khắc phục, nhất là vướng mắc nảy sinh trong thực hiện một số đề án, dự án...
Phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, có khó khăn, thuận lợi đan xen, song khó khăn nhiều hơn. Do đó, bên cạnh những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm đã nêu tại cuộc làm việc năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số phương hướng, nhiệm vụ Thành phố cần thực hiện trong thời gian tới.
Thành phố không được có tâm lý chủ quan, lơ là; tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt chú ý tới diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với các biến chủng mới (BA.4, BA.5); tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định. Bên cạnh đó, Thành phố khắc phục tình trạng nhân viên y tế chuyển việc để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, các chương trình, dự án còn vướng mắc, có điểm nghẽn để giải quyết; tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thành phố cần tập trung rà soát, bổ sung giải pháp, quyết tâm thực hiện đạt và vượt 19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2022, nhất là chỉ tiêu về Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6%-6,5%. Thành phố đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thực hiện 51 chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội Thành phố.
"Thành phố phải góp phần quan trọng cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo 5 cân đối lớn của nền kinh tế," Thủ tướng yêu cầu.
Cũng theo Thủ tướng, Thành phố tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường phân cấp, phân quyền; phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Thành phố tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung rà soát quy hoạch đô thị; tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm hiệu quả...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Thành phố, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phát biểu về từng nội dung. Theo đó, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của Thành phố, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát Dự án Metro số 1, Bến Thành-Suối Tiên và địa điểm xây dựng nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được khởi công từ năm 2012, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành đến depot Long Bình với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án metro số 1 ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 17.388 tỷ đồng, hoàn thành vào quý 4/2021. Sau đó điều chỉnh lên thành 43.700 tỷ đồng, dự kiến chạy thử từ giữa năm 2022 và đưa vào khai thác năm 2023. Gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên hoàn thành vào cuối quý 4/2023.
Sau khi nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án và các vấn đề liên quan; trong quá trình khảo sát, tham quan nhà ga Bến Thành và nhà ga Ba Son trên tuyến metro, Thủ tướng Chính phủ gặp và trao đổi với lãnh đạo Thành phố, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), lãnh đạo nhà thầu Nhật Bản Sumitomo.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu động viên kỹ sư, công nhân đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, xây dựng tuyến metro đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật; đề nghị Thành phố quy hoạch, xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kết nối đồng bộ, đảm bảo cảnh quan, khai thác hiệu quả các công trình.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị các đối tác Nhật Bản, với kinh nghiệm triển khai tuyến metro số 1 này, xem xét cấp ODA thế hệ mới và làm các tuyến metro tiếp theo tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt là tuyến số metro số 2 và tuyến 3A nối tới tuyến đường đi các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp tháo gỡ các vướng mắc nếu có; đảm bảo thủ tục nhanh chóng; xử lý những bất cập, tổ chức thi công nhanh và chắc chắn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát địa điểm dự kiến thực hiện dự án xây dựng nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức - một trong những dự án cửa ngõ giảm ùn tắc cho điểm đầu cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái.
Nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Công trình có ba tầng gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm); hầm chui kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ-Đồng Văn Cống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng nút giao thông này phải đảm bảo các mục tiêu: giải quyết vấn đề giao thông; đảm bảo kỹ, mỹ thuật, cảnh quan để nơi đây trở thành điểm nhấn về kiến trúc, du lịch. Do đó, nút giao phải được thiết kế với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm không phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó, phải quy hoạch, thiết kế, xây dựng đồng bộ các công trình liên quan; tận dụng, khai thác hiệu quả các công trình, không gian cả trên mặt đất và dưới lòng đất./.
Theo TTXVN