Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các
đội viên Dự án hãy tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, phát huy
tinh thần thanh niên xung kích; chủ động sáng tạo, bám địa bàn, bám
nhiệm vụ; luôn cần cù, chịu khó, gương mẫu, đi đầu trong công việc; sát
cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi công tác; không ngừng rèn
luyện, tu dưỡng đạo đức, khiêm tốn, khắc phục khó khăn trong quá trình
triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Ngày 26/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo 1 số Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đến dự Hội nghị sơ kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo. Tuy mới thực hiện được hơn 1 năm nhưng Dự án nhận được sự quan tâm, ủng hộ, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiến phát triển kinh tế-xã hội ở các xã thuộc huyện nghèo.
* 100% hoàn thành nhiệm vụ được giao
Được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011, Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo nhằm thực hiện ba mục tiêu: Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Dự án thu hút hàng nghìn trí thức trẻ quan tâm và đã có hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, sàng lọc, Ban Quản lý (BQL) dự án đã chọn được 580 trí thức trẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, sau 1 năm về xã công tác, các đội viên Dự án đã nhanh chóng tiếp cận được với công việc, từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Qua triển khai Dự án nhận được sự quan tâm, ủng hộ, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiến phát triển kinh tế-xã hội ở các xã thuộc huyện nghèo. Đồng thời khẳng định đây là khâu đột phá trong công tác cán bộ nhằm tạo môi trường để rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Qua đánh giá của các xã, huyện, tỉnh có 68/580 đội viên dự án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,72%); có 352/580 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 60,69%) và 160/580 đội viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 27,59%).
Bên cạnh mặt đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, dự án còn một số tồn tại, hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, ở địa phương chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Dự án nên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án cũng gặp một số khó khăn nhất định; đa số đội viên của Dự án chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý nhà nước ở cấp xã; hầu hết cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đội viên Dự án về công tác chưa có hướng quy hoạch, đào tạo bố trí và sử dụng đội viên dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ nên phần nào tác động đến tư tưởng của đội viên Dự án và các bộ, công chức ở xã...
Qua sơ kết thực hiện giai đoạn I của Dự án, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chủ động bố trí kinh phí để trả lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích nộp, các chế độ chính sách thu hút theo quy định của pháp luật được kịp thời. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung chi cho phù hợp với thực tiễn tổ chức thực hiện Dự án và bảo đảm chế độ của đội viên Dự án như cán bộ, công chức cấp xã.
* Cơ hội để rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn
Tham luận tại Hội nghị, các đội viên của Dự án đều nhận thức, việc tham gia dự án là cơ hội để giúp trí thức trẻ rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, đồng thời là cơ hội để đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các tri thức trẻ của cho biết, khi về công tác tại xã, các đội viên Dự án luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt các cấp lãnh đạo (cấp tỉnh, cấp huyện) đã thường xuyên cử các đoàn công tác xuống kiểm tra trực tiếp tại các xã có đội viên Dự án để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội viên, kịp thời biểu dương những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng khắc phục trong thời gian tiếp theo.
Đội viên Trương Thị Trang- Phó Chủ tịch xã Trung Đồng, Tân Uyên, Lai Châu; Đặng Phúc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái; Vũ Thị Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, Lang Chánh, Thanh Hóa...cho biết, trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, các đội viên cũng gặp không ít những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ và những hiểu biết về phong tục, tập quán còn hạn chế nhất là đối với đội viên không phải là người địa phương, điều đó dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tiếp thu ý kiến của nhân dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, là sinh viên mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng như công tác chỉ đạo đối với nhiệm vụ được giao có lúc chưa kịp thời và còn lúng túng...
Các đội viên Dự án mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, xem xét giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các đội viên dự án yên tâm công tác; phát huy được hết khả năng của mình; định kỳ tổ chức Hội nghị tập huấn để các đội viên được tiếp thu, cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm mới nhằm phục vụ nhiệm vụ công tác tại địa phương được tốt hơn.
Ý kiến của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xã trực tiếp có các đội viên Dự án về công tác đều khẳng định các đội viên của Dự án luôn năng động, nhiệt tình trong công tác, có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu thực tế của cơ sở; có quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng; gương mẫu trong việc tham gia nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp; có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức và thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, tác phong làm việc nghiêm túc, nhanh nhẹn, không ngại gian khó trước nhiệm vụ được giao...
* Phát huy tinh thần thanh niên xung kích, chủ động sáng tạo của thế hệ trẻ về công tác tại xã
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ và các địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai Dự án, biểu dương tinh thần nhiệt huyết của các đội viên Dự án đã tình nguyện đến với các xã nghèo trong cả nước. Các đội viên Dự án đã luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, phát huy bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại gian khó trước nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Dự án có ý nghĩa thiết thực góp phần đào tạo, tạo nguồn cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở. Quan thực tế thực hiện Dự án cũng góp phần xây dựng cơ chế chính sách về cán bộ, về điều chuyển cán bộ... Dự án tuy mới thực hiện được 1 năm song đã có những kết quả bước đầu, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện Dự án như có nhiều đội viên chưa thạo tiếng của đồng bào dân tộc nơi công tác, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm trong xử lý công việc, chưa chủ động, mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền... Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, đảng viên và người dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các đội viên của Dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ với những khó khăn của các đội viên Dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các đội viên Dự án hãy tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, phát huy tinh thần thanh niên xung kích; chủ động sáng tạo, bám địa bàn, bám nhiệm vụ; luôn cần cù, chịu khó, gương mẫu, đi đầu trong công việc; sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi công tác; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, khiêm tốn, khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đội viên Dự án. Các địa phương cần quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn của địa phương công tác, qua đó đóng góp vào sự nghiêp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; quan tâm đến công tác phát triển Đảng đối với đội viên Dự án... Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết cho đội viên Dự án. Nội dung và phương pháp tập huấn cho đội viên Dự án phải bám sát yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn công tác của đội viên Dự án, chú trọng nâng cao năng lực tư duy; kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội viên Dự án.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, các đội viên Dự án sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, tính năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà địa phương đề ra./.
Thiện Thuật (TTXVN)