Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 24/10/2008 19:0'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Năm 2010 đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào lên 1 tỷ USD

Tại buổi tiếp Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm gần đây. Về thương mại, hai bên khẳng định phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD vào năm 2010, đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và đạt 5 tỷ USD vào năm 2020. Hai Thủ tướng nhất trí đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và hai bên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Trước mắt, hai Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục những thủ tục chưa phù hợp để tạo điều kiện cho hợp tác phát triển thuận lợi hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn và sẵng sàng hợp tác với Lào trên các lĩnh vực.

Tổng thống Bungari sẽ thăm chính thức Việt Nam vào đầu năm 2009

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng thống Bungari Georghi Parvanov- Ảnh Cổng TTĐT CP

Tiếp Tổng thống Bungari Georghi Parvanov, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Bungari trở thành thành viên chính thức của ASEM tại Hội nghị lần này; cảm ơn nhân dân Bungari và cá nhân Tổng thống về những tình cảm hữu nghị truyền thống và việc tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Bungari sinh sống và học tập ổn định, mong Chính phủ Bungari sẽ tiếp tục hỗ trợ để cộng đồng Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn cho việc tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Mối quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Bungari và Việt Nam ngày càng phát triển và đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ. Năm 2008, thương mại hai nước tăng nhanh, vượt 45% so với năm 2007 nhưng hai bên cần nỗ lực hơn nữa để khai thác tốt tiềm năng, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, lao động... Thủ tướng hoan nghênh Tổng thống Bungari thăm chính thức Việt Nam vào đầu năm 2009 và cho rằng, chuyến thăm sẽ là một mốc mới, rất quan trọng trong sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Bungari trong giai đoạn mới, bối cảnh mới.

Đồng tình với những đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Bungari, cho rằng, tình cảm hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Những tình cảm đó là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục phát triển quan hệ trong tương lai. Tổng thống cho biết, Bungari là một trong những nước phát triển năng động ở Đông Nam Âu, do vậy hai nước cần tăng cường quan hệ thương mại tương xứng với 2 nền kinh tế. Tổng thống nhấn mạnh, hơn 30.000 người Việt Nam đã học tập, làm việc tại Bungari và hàng nghìn người Việt khác đang sinh sống tại Bungari đã, đang và sẽ là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tổng thống cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào ta sinh sống, hòa nhập tốt tại Bungari theo đúng pháp luật của Bungari và thông lệ quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí, cần tăng cường hơn nữa giao lưu hợp tác văn hóa, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời tăng cường hợp tác, tìm hiểu và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với Tổng thống Bungari về việc Nghị viện châu Âu mới thông qua 1 Nghị quyết liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam có nội dung hoàn toàn trái ngược với thực tế Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.

Nghị quyết mới của Nghị viện châu Âu liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam là không phù hợp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) José Manuel Barroso- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) José Manuel Barroso đều bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với EU, đánh giá cao việc hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao tạo cơ sở củng cố và tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hợp tác nhiều mặt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mặc dù chịu tác động nhất định của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, các biện pháp nhằm giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế đã mang lại kết quả tích cực. Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước những tiến triển tích cực trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa Việt Nam và EU (PCA).

Thủ tướng lấy làm tiếc về một số quyết định gần đây của EU như loại một số sản phẩm của Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và quyết định rà soát cuối kỳ việc áp thuế chống phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam đã gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai bên. Đề nghị EC sớm chấm dứt quá trình rà soát áp thuế. Việc áp thuế thời gian qua và việc tiến hành rà soát thời gian tới đã và đang làm cho đời sống của gần 1 triệu lao động Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ và người có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết mới của Nghị viện châu Âu liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam là không phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - EU.

Chủ tịch EC Manuel Barroso cho rằng nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn vững mạnh và ổn định, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác đang bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và một số nước trong khu vực sẽ giúp tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác. Chủ tịch EC khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, tin tưởng hai bên sẽ đạt được tiến triển trong đàm phán PCA. Chủ tịch EC đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam với tư cách là điều phối viên của tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN với EU.

Hoan nghênh Hàn Quốc dành cho Việt Nam 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đều bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đã có những phát triển tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo... Hai bên nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động tiêu cực đến kinh tế nhiều nước, hai nước cần hợp tác hơn nữa trong mọi lĩnh vực, cả song phương và đa phương. Thủ tướng hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc quyết định dành 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi giai đoạn 2008-2011 cho Việt Nam. Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư Hàn Quốc, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm năng về vốn và công nghệ, vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tổng thống Hàn Quốc khẳng định cam kết ODA cho Việt Nam để giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời mong muốn tăng hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Ấn Độ thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên rất nhiều phương diện, khẳng định Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn có tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với nhân dân và đất nước Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ vui mừng trước những phát triển tốt đẹp giữa hai nước, trong đó quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại tăng nhanh. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường và sẽ chính thức công bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn làm hết sức để phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng, thiết thực hiệu quả trong mọi lĩnh vực với Ấn Độ. Thủ tướng nêu rõ, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong hơn 1 năm qua có những chuyển động mới tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch hai chiều đã đạt hơn 1,7 tỷ USD, vượt kim ngạch cả năm 2007. Các tập đoàn lớn của Ấn Độ như ONGC, Tata, Essar đều đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhập siêu rất lớn từ Ấn Độ. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Ấn Độ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ để giúp cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước.

Hai bên nhấn mạnh cần tăng cường vai trò tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất