Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/2/2019 7:53'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa

Cách đây tròn 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, ngày 21 tháng 4 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đến làm việc trong nhiệm kỳ.

Vượt lên chính mình

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình, đạt nhiều kết quả đổi mới về tư duy và hành động, tiên phong, đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là xây dựng thể chế, pháp luật, Bộ đã đổi mới mạnh mẽ; quyết tâm tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo những cơ chế, thể chế, động lực mới vượt trội, hiệu quả hơn, đón bắt được những xu hướng tiến bộ mới của thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, giải phóng nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để hoàn thiện hơn nữa cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan Bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển. 

Không ngừng đổi mới tư duy

Nói chuyện với tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bộ phải không ngừng đổi mới tư duy, khắc phục những tồn tại, bất cập, nỗ lực, phấn đấu trong công tác bám sát định hướng của Đảng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mô hình tăng trưởng, mục tiêu tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng trong 3 năm gần đây là tương đối toàn diện, cần được phát huy; ngày càng củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ. Trong thành tích đó, có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Đánh giá kết quả năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò tham mưu trưởng phát triển kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã kịp thời đánh giá rủi ro kinh tế xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Một thành công nữa của Bộ là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung nhiều đạo luật, bãi bỏ những văn bản là rào cản phát triển; huy động tốt các nguồn lực, thực hiện  tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thủ tướng cũng ghi nhận thành tích của Bộ trong việc chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. 

Thủ tướng hoan nghênh Đề án về Khu vực kinh tế chưa quan sát ở Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và một số Đề án về thống kê các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bộ cũng có thành tích lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài với 36 tỷ USD một cách có chọn lọc với nhiều dự án công nghệ, không ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm cho người dân và giải quyết nhiều vấn đề xã hội. 

Không chấp nhận giải pháp cũ không khả thi

Nêu các thách thức, các “bài toán” đối với sự phát triển của đất nước trước mắt và dài hạn, Thủ tướng cũng định hướng nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần triển khai trong thời gian tới. Thủ tướng chỉ đạo, không chấp nhận giải pháp cũ đã nêu không khả thi, đã đưa ra nhưng không triển khai tốt.

Thủ tướng chỉ ra một số yếu kém, tồn tại của Bộ và yêu cầu Bộ không chỉ bám sát thực tiễn mà phải đi tắt đón đầu trong công tác tham mưu chiến lược, cập nhật thường xuyên xu hướng công nghệ trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội. Công tác đánh giá quản lý đầu tư công tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công. Các dự án luật được giao nhưng chậm triển khai, trong đó có Luật Đầu tư công sửa đổi. Chưa có nghiên cứu một cách hệ thống nhiều vấn đề xã hội trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.  

Thủ tướng nhắc nhở Bộ không được ngủ quên trên “vòng nguyệt quế” để nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu một số thách thức tác động đến sự phát triển của đất nước. Trong đó, bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Chính sách tài chính của một số nước thắt chặt...  Do vậy, Bộ cần có tham mưu chiến lược, sâu sắc, kịp thời, giúp khai thông và phát huy tốt nhất tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn của đất nước.

Giải “bài toán” cơ bản của đất nước

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ phải tham mưu giải pháp giải một số “bài toán” cơ bản của đất nước: “Với tư cách là Bộ Tổng tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hãy hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế xã hội 2019 có thể tạo bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo", Thủ tướng đề nghị. 

Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ cần tham mưu để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy rác thải công nghệ. Nhắc lại, một trong những động lực quan trọng là đô thị hóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ tham mưu chính sách để triển khai chủ trương này.  

Nhấn mạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục khoảng 7%/năm trở lên là rất quan trọng để đến 2030-2045 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tương đương các nước, Thủ tướng cho rằng, đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa vào thời điểm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập đất nước. Do đó, về định hướng phát triển đất nước trong dài hạn.

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu lên tầm nhìn Việt Nam để chung tay xây dựng hiện thực khát vọng 10-20 năm tới, trong đó, tầm nhìn 2030, xây dựng một xã hội thịnh vượng hơn. Muốn vậy cần có cơ chế thị trường hiện đại, đảm bảo cạnh tranh, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và phát triển nền kinh tế dựa trên trí thức được đặt trong mạng lưới hiệu quả. Những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tương tác với các thành phố lớn toàn cầu. Cùng với đó là cần có một tầm nhìn về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là một nội hàm quan trọng thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc ta, cần được cụ thể hóa với những nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp từng thời kỳ phát triển của đất nước.  

Nỗ lực, sáng tạo hơn nữa

Theo đó, Thủ tướng nêu mục tiêu cụ thể, Việt Nam phải trở thành quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập quốc gia thu nhập cao; Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi; Việt Nam hướng đến chất lượng giáo dục tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Xây dựng đất nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe con người đẳng cấp thế giới, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến 100% người dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, cần đánh giá, định hướng rõ mục tiêu, định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần cải cách đổi mới sáng tạo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải luôn phấn đấu, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế xã hội quan trọng nhất cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.

Theo  TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất