Ngày 25/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019 - 2020 nêu rõ: Năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực phối hợp hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mỗi bên. Chính quyền các cấp và Công đoàn cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua, lao động sản xuất, nâng cao năng suất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp sức cùng cả nước làm nên những chỉ số kinh tế ấn tượng…
Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác. Năm 2018, 2019, nhân dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; thăm, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình Tết Sum vầy… Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách pháp luật có liên quan đến người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động trong năm qua được cải thiện. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tình hình ngừng việc tập thể giảm mạnh cả về số lượng và quy mô...
Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao; tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Tình hình trên cùng với quy trình giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp khi chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc đối với người lao động... đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản doanh nghiệp và Bộ luật Lao động.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động phải đi làm vào giờ hành chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào điều kiện hiện có về nhân lực, cơ sở vật chất để phối hợp với ngành Bảo hiểm Xã hội thực hiện triển khai khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của Công đoàn.
Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra của cải xã hội, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc chăm lo đời sống của công nhân, lao động còn nhiều hạn chế trong tháo gỡ khó khăn về chế độ làm việc, tiền lương, nhà ở...
Liên quan đến tình trạng phá sản của các công ty nước ngoài dẫn đến việc nợ lương và bảo hiểm của người lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động giám sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường, trách nhiệm đối với người lao động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần sửa đổi Luật Phá sản, ưu tiên đến việc thanh toán lương, bảo hiểm cho công nhân vì người lao động cống hiến rất nhiều nhưng khi xảy ra phá sản, người lao động lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Thủ tướng cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng cao theo hướng xuất siêu, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, được quốc tế và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được thực hiện tốt và đem lại kết quả cao; thực hiện tốt chương trình cả nước chung tay vì người nghèo, tăng cường bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt từ đô thị đến vùng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính cải thiện. Nhiều vụ tham nhũng lớn được thanh tra, xử lý nghiêm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an toàn giao thông giảm ở tất cả các tiêu chí. Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.
Khẳng định công nhân, lao động Việt Nam đã luôn nỗ lực, cần cù, làm ra nhiều của cải, tay nghề càng ngày càng được nâng lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Chính phủ bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng cho người lao động; phối hợp với các bộ, ngành giải quyết tốt vấn đề tiền lương, giờ làm việc, bảo hiểm xã hội cho người lao động, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
"Giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt, là yếu tố để đảm bảo thành công trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập cuốc tế. Vì vậy, công nhân phải nâng cao trình độ, làm chủ khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động luôn đi liền với thu nhập", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, nhất là những vướng mắc về thể chế chính sách, giải quyết những bức xúc của người lao động; đẩy mạnh tuyên tuyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bài trừ những thông tin chống phá, sai sự thật... Đặc biệt, Công đoàn phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tìm ra nguyên nhân vướng mắc trong thể chế, pháp luật, từ đó giải quyết theo hướng ưu tiên cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản.
Công đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng thể chế, tập trung nghiên cứu các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, giờ lao động; nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, tăng cường đối thoại; phối hợp tuyên truyền cho người lao động hiểu được việc Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp lễ tết; quan tâm đến những lao động mất việc làm, điều kiện sống khó khăn; giám sát thực hiện an toàn thực phẩm cho người lao động.
Cho rằng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là hết sức cần thiết, Thủ tướng yêu cầu Công đoàn các cấp cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nhu cầu của người lao động, không để những việc bất thường xảy ra, củng cố mới quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn cần phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của nhân dân, người lao động trong các khu công nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng thiết chế công đoàn không phải là trách nhiệm riêng của tổ chức Công đoàn mà cần phân rõ trách nhiệm đối với mỗi bộ, ngành, nhất là các địa phương. Các địa phương phải giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước mắt hoàn thiện hệ thống thiết chế về nhà ở cho công nhân, lao động ở tỉnh Hà Nam, sau đó sẽ đồng loạt triển ở các tỉnh, thành phố.../.
Theo TTXVN