Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 20/9/2019 9:6'(GMT+7)

Vận động, tập hợp nhân dân góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về chủ đề: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về chủ đề: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều 19/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), các đại biểu dự Đại hội tiến hành thảo luận chuyên đề tại các trung tâm.

TĂNG CƯỜNG NẮM BẮT TÌNH HÌNH NHÂN DÂN

Trung tâm thảo luận số 1 có sự tham dự của 218 đại biểu, thảo luận chủ đề “Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh.

Phát biểu đề dẫn tại buổi thảo luận, ông Hầu A Lềnh đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến, đề xuất giải pháp tập trung vào các nội dung trọng tâm: Việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân; các giải pháp triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giải pháp thực hiện tốt hơn nữa Đề án số 01 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII về “Đổi mới công tác thông tin, tuyền truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trong nhiệm kỳ 2019-2024, nhằm phát huy vai trò chủ động các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Cho ý kiến tại buổi thảo luận, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Hoa cho rằng, bối cảnh, tình hình đất nước hiện nay có nhiều thuận lợi, cơ hội đan xen những khó khăn, thách thức, tác động cả chiều hướng tích cực và tiêu cực đến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nắm bắt tình hình nhân dân của Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Bà Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh, tổ chức Mặt trận các cấp cần nhạy bén, kịp thời để báo cáo, phản ánh với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; làm tốt vai trò cầu nối, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia ổn định tình hình, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ngay từ cơ sở.

Thảo luận về vấn đề phát huy vai trò của các tôn giáo trong các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, qua đó góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông H’Kim Hoa Byă, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên cần thực hiện tốt hơn chương trình phối hợp, thống nhất hành động, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của đồng bào có đạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận cần tăng cường tổ chức vận động các chức sắc, chức việc tuyên truyền trong đồng bào có đạo để đồng bào thực sự hòa nhập, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; không để các hiện tượng tôn giáo lạ xâm nhập và lợi dụng phá hoại cách mạng.

Tại Trung tâm thảo luận số 1, các đại biểu cũng đã thảo luận về các giải pháp nhằm xây dựng cơ chế, phương thức và tổ chức lực lượng để kịp thời cung cấp thông tin cho nhân dân, tập hợp phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân; tham gia giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong nhân dân ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư; công tác phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác vận động kiều bào; tăng cường nắm tình hình, phản ánh ý kiến, kiến nghị của người Việt Nam ở nước ngoài với Đảng, Nhà nước...

PHÁT HUY VAI TRÒ SÁNG TẠO, TỰ QUẢN CỦA NHÂN DÂN

Tại Trung tâm thảo luận số 2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, các đại biểu thảo luận về việc vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Thị Liên cho rằng, Mặt trận các cấp cần có giải pháp tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa các tổ chức thành viên ở cấp cơ sở, vì nếu các tổ chức này hoạt động đơn lẻ sẽ không đạt chất lượng tối ưu. Với vai trò của mình, mỗi tổ chức có một thế mạnh rất riêng, cần tận dụng tốt những thế mạnh này. Bên cạnh đó, Mặt trận cần phát huy vai trò sáng tạo, tự quản của nhân dân để xây dựng những mô hình tự quản thiết thực, giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra ở từng cộng đồng khu dân cư gắn với đặc thù vùng miền.

Đánh giá cao những kết quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, ông Phan Hòa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII tỉnh Thừa Thiên - Huế góp ý kiến về việc làm rõ hơn một số nội dung 5 chương trình hành động đã đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ IX.

Theo ông Hòa, trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành công, nhiều nơi đạt mục tiêu vượt mốc thời gian đề ra, nhiều tỉnh có 100% xã đạt danh hiệu nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, ông Phan Hòa cho rằng, việc vận động xây dựng “đô thị văn minh” còn chưa tổ chức sơ kết, tổng kết cụ thể để biết kết quả đã thực hiện được đến đâu và phương hướng thời gian tới như thế nào. Từ nguyên nhân đó, ông Hòa đề nghị cần xác định rõ tiêu chí về đô thị văn minh, có thước đo cụ thể về vấn đề này.

Ghi nhận những ảnh hưởng tích cực của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” ông Phan Hòa đánh giá, cuộc vận động không chỉ góp phần đưa nền kinh tế của đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ, mà còn phát huy lòng tự tôn dân tộc.

Theo ông Hòa, hiệu quả của cuộc vận động này cần tiếp tục được duy trì, “Hàng Việt Nam phải làm sao để chất lượng tốt, giá cả hợp lý, không thể bắt người Việt Nam dùng hàng xấu, hàng đắt. Các doanh nghiệp cần phấn đấu để đưa chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Muốn người dân dùng thì cán bộ, lãnh đạo cũng phải gương mẫu dùng, tránh tình trạng người dân dùng hàng Việt Nam còn quan thì dùng hàng ngoại,” ông Hòa nêu ý kiến./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất