Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63
tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận gần 3.570 trường
hợp mắc sởi xác định trong số hơn 9.930 trường hợp số phát ban dạng sởi.
Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng
Hà Nội chiếm 37% số ca mắc ghi nhận ở thành phố Hà Nội.
Tại một số bệnh viện tuyến trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có
xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng Tư này,
tại mỗi bệnh viện có trên 30 bệnh nhân mắc sởi mới nhập viện hàng ngày
trước đây, đến nay chỉ còn 5-10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày.
Phân tích các trường hợp mắc sởi xác định trong 3 tháng đầu năm nay cho
thấy, phần lớn ca mắc bệnh là trẻ em dưới 10 tuổi, chiếm hơn 68%. Số
mắc sởi ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 16%, số mắc dưới 9 tháng tuổi - lứa
chưa đến tuổi tiêm phòng vắcxin sởi- chiếm 11%.
Hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng
tiêm chủng vắcxin sởi chiếm tới hơn 86%. Chỉ có gần 10% ca sởi đã tiêm
chủng 1 mũi vắcxin sởi.
Hiện đã xảy ra 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng
xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu vào điều trị tại các
bệnh viện tuyến trung ương.
Nguyên nhân là do bị mắc sởi trên bệnh lý nền như suy tim, nhiễm khuẩn
huyết, tim bẩm sinh, bại não, bạch cầu cấp,...; do đồng nhiễm các loại
virus, vi khuẩn liên quan đến giai đoạn chuyển mùa Đông-Xuân, khí hậu ở
phía Bắc lạnh và ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai
đoạn này; do biến chứng, bội nhiễm sởi, sau sởi.
Bên cạnh đó, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương cũng làm cho
việc cách ly phòng lây nhiễm khó khăn dẫn tới lây chéo trong bệnh viện
khiến bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Bộ Y tế cũng nêu một số khó khăn trong phòng, chống sởi như do thời gian
gần đây, ảnh hưởng của một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng nên
người dân có tâm lý e ngại không đưa con đi tiêm chủng trong đó có
vắcxin sởi.
Ban đầu công tác truyền thông còn hạn chế nên người dân chưa hiểu được
những nguy cơ khi đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương nơi có
nhiều bệnh nhân sởi gây hiện tượng quá tải, khó cách ly, khó phòng lây
nhiễm chéo dẫn đến hiện tượng có nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tình hình
dịch sởi có xu hướng giảm, song sởi vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm
trọng, số người mắc bệnh sởi còn lớn. Do vậy, không được chủ quan, lơ là
trước dịch sởi, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tập trung thực hiện
hiệu quả các giải pháp phòng chống sởi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương, đặc biệt là
thành phố Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc giám
sát tình hình dịch bệnh, cấp cứu, điều trị đối với bệnh nhân sởi, hạn
chế thấp nhất tử vong do sởi gây ra. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện
hiệu quả các biện pháp chống và không để lây nhiễm chéo.
Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc men, phương tiện
cho công tác phòng chống dịch sởi... Với mục tiêu phải dập tắt dịch sởi
càng sớm càng tốt.
Trước tình trạng vẫn còn 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng sởi dưới 50%, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý Bộ Y tế và địa phương cần tập trung
thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên
truyền về tiêm phòng.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền sẽ góp phần làm cho người
dân nhận thức đầy đủ, hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp
phòng chống để người dân không hoang mang, lo lắng.
Thủ tướng cũng nhắc nhở ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác
chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên
truyền,... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong
thời gian tới; đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu,
phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, virus học... tăng cường đào tạo
cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ các địa
phương trong phòng, chống dịch sởi, đặc biệt là thành phố Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh nhằm dập tắt dịch sởi./.