(TG)-Thời gian qua, các huyện dọc ven biển từ phía Bắc vào phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng cá biển và cá nuôi trong một số vùng đầm phá ở các khu vực cửa biển (Thuận An, Tư Hiền, Chu Mới, Lăng Cô) bị chết; ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng như các hoạt động khác liên quan đến đời sống của nhân dân các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại đến ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch, gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong tỉnh.
Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tăng cường nắm tình hình, đề ra một số nhiệm vụ cấp bách để triển khai Thông báo kết luận số của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung và thống nhất các nội dung: Thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do sự cố thủy sản chất hàng loạt; tuyên truyền trong nhân dân và bình ổn thị trường; tăng cường quan trắc các bãi tắm, các khu du lịch biển, các điểm cấp nước biển phục vụ nuôi thủy sản và thông báo kịp thời đến nhân dân cũng như các doanh nghiệp; Phương án thu mua thủy sản, tiêu hủy hoàn toàn thủy sản biển chết, tuyệt đối không để người dân đưa vào chế biến.
Từ ngày 28.4, Thừa Thiên Huế đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu tại các cửa biển, các bãi tắm và các điểm lấy nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tại thời điểm quan trắc, tất cả các thông số (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe) đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, đảm bảo cho mục đích bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.
UBND tỉnh đã có phương án triển khai công tác hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân; tăng cường tuyên truyền để ổn định xã hội và không để các hoạt động quá khích xảy ra; mở rộng phạm vi và đối tượng quan trắc (môi trường, hải sản) và tích cực phối hợp với các bộ, ngành điều tra, khảo sát nhằm sớm xác định nguyên nhân. Từ 12.5, tỉnh tiến hành hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 36.000 nhân khẩu, 3.080 tàu thuyền đánh cá trong diện được hỗ trợ do bị ảnh hưởng từ hiện tượng hải sản chết bất thường; Hỗ trợ một lần các tàu, thuyền đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản với hai mức, gồm mức 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 20CV; mức 5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền lắp máy có công suất từ 20 CV đến dưới 90CV...
Tỉnh cũng hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ chủ tàu và hộ của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp và đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hơn 800 tấn gạo để hỗ trợ cho các đối tượng trên.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng; trong đó có 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho những hộ dân nuôi cá trên lồng, bè trên đầm phá bị thiệt hại trong thời gian vừa qua, số còn lại sẽ hỗ trợ cho các đối tượng người dân vùng ven biển bị ảnh hưởng do tình trạng hải sản chết bất thường.
Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm tình nguyện Quốc gia, Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình tình nguyện “Hãy làm sạch biển” tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang). Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm phát huy sức trẻ, vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường biển với nhiều hành động thiết thực như: thu gom, tiêu hủy rác thải; tuyên truyền các đoàn viên, thanh niên và người dân về việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tổng hợp các thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trong thời gian qua, kịp thời và công khai các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất lượng môi trường biển, nguồn gốc hải sản đánh bắt, hỗ trợ thu mua hải sản và tổ chức các điểm bán hải sản đã được xác nhận đánh bắt ở vùng biển an toàn .
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cũng đã có công văn gửi đến các địa phương trong tỉnh, các cơ quan đài báo, tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy nhằm tăng cường công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; động viên nhân dân bình tĩnh, chủ động và khắc phục hậu quả trên tinh thần đoàn kết, thống nhất và ý thức trách nhiệm cao. Tiếp tục nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tac của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Trong khi chờ đợi kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, Thừa Thiên Huế tiếp tục bám sát tình hình cơ sở, triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định tình hình tư tưởng, bảo đảm sản xuất, đời sống của nhân dân để người dân an tâm ổn định cuộc sống, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong tình hình hiện nay./.
Hải Hà
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thừa Thiên Huế