Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 12/11/2011 10:6'(GMT+7)

Thừa Thiên - Huế gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tỉnh đã xây dựng 10 mục tiêu phấn đấu giảm nghèo từ nay đến 2015, bao gồm: giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 10%; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại 16 xã đặc biệt khó khăn vùng núi, 39 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đầm phá; hỗ trợ 150.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo 100% số người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; phổ cập và cải thiện chất lượng giáo dục, 100% học sinh thuộc con em hộ nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và đóng góp xây dựng trường.

Tỉnh hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho ít nhất 5.273 hộ nghèo không có nhà hoặc nhà xiêu vẹo, dột nát không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đẩy mạnh cải cách hành chính và cung cấp kiến thức, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo với khoảng 2.000 người/năm; giảm khả năng dễ bị tổn thương và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng yếu thế và người nghèo. Tỉnh xây dựng ít nhất 3 mô hình giảm nghèo bền vững gắn với đặc thù của các vùng sinh thái: miền núi, nông thôn đồng bằng và thành thị để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế đã cho 118.951 hộ vay hơn 1 tỷ đồng, người nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã đầu tư 771 triệu đồng, khai hoang 154,2 đất để cấp cho 835 hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Từ nguồn vốn khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển ngành nghề, tỉnh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ 1.370 hộ thuộc 35 xã của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Thủy thí điểm và chuyển giao các dự án phát triển sản xuất. Điển hình có các mô hình sản xuất, chăn nuôi gồm trồng hoa cúc, trồng lúa chất lượng cao HT1, trồng lạc L14, chăn nuôi lợn nái móng cái, chăn nuôi lợn nái ngoại, chăn nuôi lợn nái F1, chăn nuôi bò cái Laisind...mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu, phân bón, muối iốt và tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện đến tận tay đồng bào dân tộc thiểu số hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo với hơn 70.500 phụ nữ tham gia, kinh phí huy động 2,9 tỷ đồng. Hội hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo... Đoàn thanh niên với phong trào "Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" với nhiều hoạt động hướng về vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới mà cao trào là chiến dịch hè hàng năm, đã vận động các cấp giúp đỡ hộ nghèo và nhiều hoạt động khác như khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ tấm lợp, cây trồng vật nuôi..., tặng quà cho gia đình gặp khó khăn, xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Thừa Thiên - Huế cũng đã thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp, bậc học là con em thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, bình quân có khoảng 3.000 học sinh được miễn giảm/năm học. Người nghèo trong tỉnh còn được cứu trợ đột xuất do thiên tai, bão lụt, với 14.430 tấn gạo và hơn 100 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm ở mức bình quân gần 3% năm. Các đơn vị như thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Nam Đông... đạt kết quả giảm nghèo khá nhanh và ổn định./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất