(TG) - Thời gian qua, hoạt
động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh của Thừa Thiên
Huế có nhiều chuyển biến, kịp thời nắm bắt, phản ánh thông tin, tình
hình tư tưởng và dư luận xã hội ở các địa phương, đơn vị cho Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy tổng hợp, báo cáo phục vụ sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh
ủy.
Chiều 20/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên dư luận xã hội tháng 8, định hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2024.
Thông tin tại Hội nghị nêu rõ, thời gian qua, công tác dư luận xã hội được các cấp ủy trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và ngày càng đi vào nề nếp. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh có nhiều chuyển biến, kịp thời nắm bắt, phản ánh thông tin, tình hình tư tưởng và dư luận xã hội ở các địa phương, đơn vị cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, báo cáo phục vụ sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Về tổng thể, công tác nắm tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở các cấp ủy thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; là lực lượng quan trọng, là kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh, cung cấp thông tin chính thống, thường xuyên, kịp thời góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng, lan tỏa các luồng dư luận xã hội tích cực. Chất lượng nắm bắt, tổng hợp, phản ánh, tham mưu tình hình dư luận xã hôi của đội ngũ cộng tác viên ngày càng được đổi mới, nêu cao trách nhiệm, tính chủ động kịp thời, trong đó nhiều nội dung có tính dự báo tốt, kiến nghị trúng, khách quan, sát thực với những vấn đề, sự kiện nóng mà dư luận quan tâm góp phần tham mưu cho cấp ủy lãnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị.
Trước nhiều vấn đề, sự kiện diễn ra trong nước, quốc tế và ở các địa phương có tác động đa chiều đến tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong tỉnh, song về tổng thể thì luồng dư luận tích cực vẫn là dòng chủ lưu. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vui mừng với những kết quả đạt được của đất nước, của tỉnh, nhất là lộ trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Phương nhận định, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi hết sức cơ bản, chúng ta tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức như: mặt trái của cơ chế thị trường, tính hai mặt của công nghệ thông tin và mạng xã hội; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, quyết liệt; những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, địa phương và một bộ phận cán bộ lãnh đạo; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phát triển với quy mô lớn làm thay đổi cơ cấu xã hội, tác động đến bộ phận không nhỏ người dân. Cùng với đó là nhiều vấn đề mới phát sinh, như: môi trường sống, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, khó lường... có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội của người dân trong tỉnh.
Theo đó, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tiếp tục bám sát Quy chế hoạt động, đẩy mạnh công tác theo dõi, nắm bắt, tổng hợp, phản ánh tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là dư luận về tình hình đất nước, trong tỉnh và các sự kiện quốc tế có liên quan. Trong đó, tập trung phản ánh, nắm bắt dư luận ở các địa phương, đơn vị xung quanh việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách mới ban hành có quan hệ tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Đặc biệt, tiếp tục theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về việc thực hiện lộ trình “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo tinh thần Nghị quyết Số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có những quan điểm, mục tiêu trọng tâm như: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương...
Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cần tiếp tục tích cực quan tâm theo dõi, nắm bắt dư luận về các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh trong thời gian tới./.
BẢO LAN