CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Quan điểm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết Đại hội Đảng sau đó. Nhiều khía cạnh liên quan kinh tế tuần hoàn như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải cũng được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khuyến khích áp dụng một hoặc một số mục tiêu nội hàm của kinh tế tuần hoàn như quy định về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng. Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, “khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.
Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Tuy nhiên, khái niệm kinh tế tuần hoàn chỉ được đề cập trong các văn kiện gần đây của Đảng. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và nhiều nghị định, văn bản dưới luật. Các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn cũng được thể hiện trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020; Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Tăng trưởng Xanh; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050.
Luật Bảo vệ môi trường - Luật số
72/2020/QH14 - được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày
17/11/2020 đã đưa ra khái niệm: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế
trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm
giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế
chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
|
Mới đây nhất, ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế.
Có thể thấy, trước xu thế phát triển của các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường trên thế giới trong vài ba thập kỷ trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có lộ trình định hướng và phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để khuyến khích và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn ở nước ta hiện nay, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc, bước đầu hội nhập quốc tế trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, đi kèm với những thành quả tăng trưởng, mô hinh kinh tế tuyến tính truyền thống (Linear Economy) theo chu trình khai thác, sản xuất và phát thải đã để lại những hệ lụy về bài toán ô nhiễm môi trường.
Theo Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), mô hình kinh tế tuyến tính đang đặt ra 3 vấn đề:
Thứ nhất, kinh tế tuyến tính truyền thống gây ra sự gia tăng rác thải.
Theo dự báo, lượng rác thải ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải ở Việt Nam mới đạt dưới 10% tổng lượng chất thải; một lượng chất thải đáng kể vẫn đang được xử lý bằng cách chôn lấp trực tiếp hoặc xả ra biển. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng rác thải rắn của Việt Nam vào khoảng 25,5 triệu tấn, trong đó, rác thải sinh hoạt đô thị khoảng 38 nghìn tấn/ngày, rác thải sinh hoạt ở nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày. Nghiêm trọng hơn là rác thải nhựa, rác thải điện tử, rác thải xây dựng và rác thải nguy hại cũng đang tăng rất nhanh.
Thứ hai, kinh tế tuyến tính làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng.
Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng cũng như lãng phí phế thải không chỉ gây cạn kiệt dần tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ ba, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cao, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết các hiệp định này đều có những quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Theo đó, các cam kết trong FTA thế hệ mới buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đến lĩnh vực môi trường, lao động, phát triển bền vững và quản trị...
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số thì 3 vấn đề nêu trên là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam xây dựng lộ trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam”.
Cũng theo Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế. Cụ thể: 1) Kinh tế tuần hoàn không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có mà hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng. 2) Kinh tế tuần hoàn là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới. Theo đó, bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn là trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nói cách khác là mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, chất thải được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, hướng đến không thải ra môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Việt Nam đang thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, tập trung những mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đảm bảo mọi người ở khắp nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Một trong những mục tiêu quan trọng là làm sao phải quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hợp lý trước tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng đó chính là chuyển đổi mô hình kinh tế sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Việc
từng bước áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với nền kinh tế Việt Nam
trong bối cảnh hiện nay là phương thức ưu việt, phù hợp và đúng với chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chiến lược vì mục tiêu
phát triển bền vững.
|
TSKH. Phan Xuân Dũng cho rằng, với mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất, các ngành công nghiệp tại các khu vực tập trung công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, tối thiểu phát sinh chất thải, khí thải và hướng tới một nền kinh tế sạch hơn, xanh hơn; thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải. Hiện nay, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đang là khung pháp lý nhằm tiếp cận tổng thể, toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về sản xuất, tiêu dùng bền vững.
THỰC TIỄN ỨNG DỤNG Ở VIỆT NAM
Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam” do Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (OIHEC) tổ chức ngày 26/10/2021, các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, mặc dù có những khía cạnh liên quan trong một số lĩnh vực và đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, tuy nhiên hiện nay kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề còn mới trong mặt bằng nhận thức chung ở Việt Nam, trong khi nó đã được vận hành ở không ít các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia thuộc khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc... đã tập trung nghiên cứu, thể chế hóa vào thực tiễn về kinh tế tuần hoàn, đồng thời áp dụng thử nghiệm trên quy mô lớn, từng bước loại bỏ kinh tế tuyến tính, góp phần chung tay bảo tồn, bảo vệ và cải thiện môi trường hướng đến mục tiêu xây dựng hành tinh xanh.
Kinh
tế tuần hoàn là một khái niệm không mới, được nhắc tới nhiều trên thế
giới và cũng đã được nhiều quốc gia triển khai thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhìn chung đây vẫn là một vấn đề khá mới, chưa có mô hình, bộ tiêu chí, cũng
như chưa có doanh nghiệp nào thực sự xây dựng được.
|
Theo PGS. TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam, trước hết là ở trong nông nghiệp hoặc trong nông - công nghiệp kết hợp, nhưng chưa có sự thống nhất về nhận thức, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết và việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt, sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện cụ thể và thể chế đặc thù của Việt Nam.
PGS. TS. Đặng Văn Thanh cho rằng, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết và việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt, sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng OIHEC, trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, việc sử dụng các mô hình có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm đã được thực hiện khá phổ biến. Điển hình là mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC) hay “vường - rừng - ao - chuồng” (VRAC) đã được áp dụng từ những năm 1970 - 1980, sau đó phát triển phổ biến với nhiều vật nuôi, cây trồng khác nhau, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi thức ăn và xử lý chất thải bằng Biogas. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp. Cụ thể như: 1) Để phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió. Số dự án năng lượng mặt trời đăng ký tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ; 2) Mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành sản xuất mía đường để làm rượu hoặc phát điện, tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng; 3) Trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh đã ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; 4) Gần đây nhất, mô hình các khu công nghiệp sinh thái mới ra đời, xuất hiện tại các địa phương như Hải Phòng (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Viện trưởng OIHEC Nguyễn Thiệu Anh cũng cho rằng, có 6 nhóm ngành tiềm năng ở Việt Nam hiện nay có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là: nhóm Nông - Lâm nghiệp, nhóm Rác thải đô thị, nhóm Năng lượng, nhóm Công nghiệp sinh thái, nhóm Du lịch, dịch vụ, nhóm Các lĩnh vực khác.
Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư Khu Công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền, Hải Phòng - KCN sinh thái đầu tiên tại Việt Nam) chia sẻ: Hiện nay về quy định của Nhà nước chưa có tiêu chí cho các mô hình kinh tế tuần hoàn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng chỉ mới đưa ra quy định “Cở sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối”. Tuy nhiên, KCN Nam Cầu Kiền được xây dựng từ cách đây 10 năm đã xác định đến những tiêu chí liên quan đến kinh tế tuần hoàn, đến nay đã tập trung nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau, sống “cộng sinh” trong KCN; nhờ đó đã tạo ra các giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần giải quyết bài toán rác thải của KCN. Hiện nay KCN không có rác thải ra, mà tất cả đã trở thành hàng hóa. Hoạt động của KCN đã bám sát tiêu chí của Nghị định 82, nhằm giải bài toán về quy hoạch cây xanh, xã hội, lao động, cảnh quan. Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, lãnh đạo KCN đã nghiên cứu các mô hình kinh tế tuần hoàn, hợp tác với Nhật Bản để hình thành tư duy và cách tiếp cận mô hình về KCN sinh thái. Đồng thời, tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong Nghị định 40 của Chính phủ về bảo vệ môi trường…. Nhờ đó, các vấn đề về an toàn lao động, kiểm soát chất thải.. đã được kiểm soát bằng hệ thống online.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhiều bộ, ban, ngành đang tổ chức các chương trình lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có nêu rõ lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn và các cơ chế khuyến khích thực hiện. Bên cạnh việc giải quyết được nhiều nội dung trong 17 mục tiêu của phát triển bền vững, thì việc thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp, dư thừa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ vào quỹ việc làm được bổ sung do sự liên kết “cộng sinh” và mở rộng các ngành nghề, lĩnh vực; sự tiếp thu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, việc thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn
sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp, dư thừa lao động, nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NÂNG CAO VÀ THỐNG NHẤT NHẬN THỨC
Để kinh tế tuần hoàn được nhận thức đúng và phát triển, đóng góp tích cực vào lộ trình và mục tiêu phát triển bền vững được Đại hội XIII của Đảng đề ra, một số giải pháp cơ bản đã được các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp nêu ra là:
Một là, tăng cường tuyên truyền để nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng mang tính quốc gia và quốc tế không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn là vì lợi ích lâu dài của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung xây dựng các quy định hướng dẫn Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Ba là, phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái (đô thị xanh). Khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp sinh thái. Cụ thể là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhập khẩu.
Khu công nghiệp sinh thái là mô hình
khu công nghiệp tương lai hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với
việc bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho
các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động
của các dự án sản xuất tới môi trường.
|
Bốn là, khuyến khích sản xuất các sản phẩm, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy hình thành cơ chế liên kết trên nền tảng IOT (Internet of Things); thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ.
Năm là, thay đổi thói quen tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững thông qua chiến lược tuyên truyền - truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy tiêu dùng trung gian đối với thị trường nguyên liệu thứ cấp; thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ.
Sáu là, nội hàm của kinh tế tuần hoàn vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn; không chỉ giới hạn trong một ngành, một lĩnh vực, mà liên quan nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực khoa học… vì vậy, rất cần có sự hợp tác, phối hợp, đồng thời cần có sự quan tâm chỉ đạo thống nhất và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học./.
Thế Hoàng