(TG) - Trên cơ sở thực hiện Biên bản
ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường giữa Bộ Công thương 2
nước Việt Nam - Lào, hằng năm, hai bên thường xuyên trao đổi, phối hợp
trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường phòng, chống
buôn lậu và gian lận thương mại...
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước từng bước ngang tầm quan hệ chính trị.
Từ năm 2015, với việc áp dụng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như phát triển kết nối chặt chẽ kinh tế giữa hai nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng tại khu vực cửa khẩu được quan tâm đầu tư, công tác quản lý cửa khẩu được tăng cường, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Hai bên tích cực phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm.
Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và quản lý cửa khẩu tiếp tục được hai bên phối hợp triển khai hiệu quả. Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ Lào các gian hàng tại các hội chợ, triển lãm lớn tại Việt Nam, như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam, Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm. Trong giai đoạn 2018 - 2021, để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào, Việt Nam đã phê duyệt thực hiện 12 đề án về xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia đối với thị trường Lào
Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại được Chính phủ hai nước quan tâm và quản lý triệt để, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân hai nước yên tâm buôn bán, hợp tác làm ăn. Trên cơ sở thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường giữa Bộ Công thương 2 nước Việt Nam - Lào, hằng năm, hai bên thường xuyên trao đổi, phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện kiểm tra thị trường, chống gian lận thương mại khu vực biên giới; tổ chức các đoàn công tác giữa Bộ Công thương 2 nước để trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường của ngành công thương hai nước…
Giai đoạn 2018-2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỷ USD. Đây là giai đoạn kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước luôn duy trì đạt trung bình hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm.
|
Cùng với đó, hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào, sau Trung Quốc, Thái Lan. Tuy chưa phải là quốc gia có hoạt động đầu tư cao nhất tại Lào, nhưng hầu hết các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đều có mặt trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu...
Trên thực tế, tiềm năng phát triển khu vực biên giới giữa hai nước còn rất lớn, để việc hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, hai bên xác định cần nhanh chóng khắc phục những rào cản, khó khăn; nâng cao khả năng cạnh tranh về thương mại, đầu tư và du lịch; đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới; tiếp tục đổi mới chính sách quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa, hài hòa các thủ tục hải quan theo chuẩn quốc tế. Hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư vào những địa bàn vùng biên giới hai nước ở các lĩnh vực như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào các hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới; thúc đẩy việc đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa 2 chính phủ.
Đồng thời rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản đã ký kết, như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào năm 2015, Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước năm 2007 để phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian tới. Rà soát và đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Tập trung khắc phục những rào cản, khó khăn; nâng cao khả năng cạnh tranh về thương mại, đầu tư và du lịch. Tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, đặc biệt là hàng nông - lâm sản. Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của hai nước lưu thông. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hai nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu; phát huy tối đa tiềm lực của lực lượng chức năng trong công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu qua biên giới, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển./.
ĐỖ HẢI