Để giảm bớt những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, tại các cuộc họp cấp Ủy ban, nhóm, các nền kinh tế thành viên APEC đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi những giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với sự quy tụ của 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã và đang khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất trên thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên.
Để giảm bớt những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, tại các cuộc họp cấp Ủy ban, nhóm, các nền kinh tế thành viên APEC đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi những giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thiên tai ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế
Theo Báo cáo mang tên “Thảm họa châu Á-Thái Bình Dương 2017” do Ủy ban kinh tế, xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) công bố mới đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 60% dân số thế giới là nơi dễ bị thảm họa nhất hành tinh do biến đổi khí hậu. Nơi này chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng gấp 5 lần các khu vực khác.
Báo cáo nêu rõ, năm 2016 tại châu Á-Thái Bình Dương, bão, lũ lụt và nhiệt độ cao đã làm chết 4.987 người, ảnh hưởng tới 34,5 triệu người. Các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình thấp đã phải hứng chịu tỷ lệ tử vong cao gấp 15 lần so với các nước giàu có hơn trong khu vực do ít có khả năng chuẩn bị, ứng phó với các mối nguy hiểm về thời tiết. Thiên tai cũng gây ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế đặc biệt là ở nông thôn.
Các chuyên gia Ủy ban kinh tế, xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc nhận định, từ năm 2015-2030, khoảng 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do thiên tai sẽ xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu có thể sẽ tăng lên ở Đông Á và Ấn Độ, bao gồm nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, mưa lớn hơn.
Phát biểu tại buổi đối thoại với đại diện thanh niên tiêu biểu của các nền kinh tế thành viên APEC, trong khuôn khổ Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng từ 6-11/11, tiến sỹ Noeleen Heyzer, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế, xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cho rằng, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai như vấn đề việc làm, cơ hội khởi nghiệp, di chuyển lao động...
Nếu các nền kinh tế thành viên APEC không tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu từ bây giờ, thời tiết sẽ ngày càng xấu đi, nguồn cung thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vấn đề nước biển dâng... Vì vậy, ngay lúc này, các nền kinh tế thành viên APEC cần có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giúp thế hệ trẻ trong khu vực có được một thế giới an toàn hơn.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Trong năm 2016, thiên tai diễn ra khắp ba miền Bắc-Trung-Nam gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% GDP. Điều đó cho thấy Việt Nam đang là một trong những tâm điểm chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, nếu không có những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên trong khu vực không thể hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hướng đến nông nghiệp xanh
APEC là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới). Đó cũng là điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Trước bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, gắn liền với tác động khó lường từ biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu luôn là câu hỏi lớn đối với ngành nông nghiệp thế giới nói chung, nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng ở những nền kinh tế trong khu vực khoa học công nghệ phát triển. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm khí hậu APEC, cho rằng để vượt qua các rào cản đó, các nền kinh tế thành viên cần phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm, hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu; tác động của thời tiết, khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sử dụng hiệu quả thông tin thời tiết, khí hậu trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp... là rất cần thiết trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong canh tác. Qua đó cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Mặt khác, môi trường nhân tạo thích hợp với các giống cây trồng mới có sức chịu đựng sự bất lợi của thời tiết cao hơn cũng sẽ chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Để đối phó với những thách thức trên, duy trì sự phát triển, nâng cao hiệu quả, tính bền vững của nền nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ, thích ứng với biến đối khí hậu.
Hiện nay, tại một số thành phố lớn của Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình thử nghiệm khu nông nghiệp công nghệ cao. Tháng 9/2004, tại Hà Nội, Khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động với vốn đầu tư 1,5 triệu USD, gồm 50% vốn ngân sách thành phố và 50% vốn cơ quan chủ quản. Khu nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng trên diện tích 7,5ha với 5.500m2 trồng dưa chuột, cà chua, ớt ngọt; 2.000m2 trồng hoa, các giống đều được nhập từ Israel. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu được xem là hiệu quả.
Tại Hải Phòng, Dự án Khu nông-lâm nghiệp công nghệ cao được thực hiện tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão với tổng đầu tư 22,5 tỷ đồng gồm các khu chức năng như khu bảo tồn cây ăn quả và vườn ươm cây giống; khu sản xuất giá thể; khu nhà nuôi cấy mô tế bào, khu nhà kính, khu nhà lưới sản xuất rau an toàn chất lượng cao; khu nhà lưới sản xuất cây cảnh. Hiện nay, các khu nhà lưới, nhà kính sản xuất rau, hoa đã hoạt động, cho sản phẩm được 2-3 vụ. Năng suất cà chua, dưa chuột đạt 200-250 tấn/ha/năm, hoa hồng cũng đạt 200-300 bông/m2.
Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt, xây dựng với quy mô 100ha. Tại đây, sẽ có khu sản xuất rau bằng phương pháp thuỷ canh, trồng trên giá thể không đất, nuôi trồng các loại hoa lan, sản xuất nấm...
Tại Lâm Đồng, từ đầu 2004 đã khởi động các chương trình trọng điểm trong đó có chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Trong kế hoạch phát triển từ 2004-2010, Lâm Đồng dự kiến xây dựng một số khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 15.000ha. Các hoạt động chính ở các khu này là sản xuất rau, hoa, dâu tây và chè. Tổng số vốn đầu tư là 2.700 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của nhà nước 38 tỷ đồng. Các thành phố và các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Sơn La, Bạc Liêu, Hưng Yên, Thái Bình, Đồng Nai, Tây Ninh đều đã có dự án xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nền nông nghiệp của thế giới, đặc biệt là nền nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang tìm những cơ hội, chỉ ra những thách thức để đưa ra những giải pháp phát triển phù hợp, tranh thủ tiến bộ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững./.
Thu Phương (TTXVN)