KHỞI NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO DỰA TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA
Đổi mới sáng tạo (Innovation) là một từ gốc Latin “nova” có nghĩa là “mới”. Đổi mới thường được hiểu là việc tạo ra những ý tưởng mới lạ hoặc cách tiếp cận độc đáo, khác biệt trong giải quyết các vấn đề. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo; qua đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ, quy trình hiện có; tạo ra được giá trị mới cho cá nhân và cộng đồng. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp những nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Đổi mới sáng tạo nói chung hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là một trong những nhân tố chủ đạo tạo nên sự phát triển bền vững của một quốc gia, một vùng lãnh thổ.
Có thể thấy các yếu tố “văn hóa”, “đổi mới sáng tạo” và “khởi nghiệp” có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau. Trước hết, đây đều là những thành tố không thể thiếu, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của các quốc gia. Bản thân hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là hoạt động bị chi phối mạnh mẽ bởi văn hóa của vùng miền, của lãnh thổ, của cộng đồng nơi chúng nảy sinh. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể tồn tại một cách bền vững nếu thiếu đi khía cạnh văn hóa. Ở chiều ngược lại, văn hóa có thể trở thành sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp góp phần tạo ra thu nhập từ văn hóa, đồng thời là một công cụ hữu hiệu để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá văn hóa truyền thống. Văn hóa trở nên thu hút hơn, được quan tâm hơn khi đóng vai trò là tác nhân kích thích sự hình thành và tạo ra giá trị cho đổi mới sáng tạo.
Để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Đây là định hướng quan trọng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa phát triển trong giai đoạn hiện nay.
TIỀM NĂNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO DỰA TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA Ở VIỆT NAM
Việt Nam có tiềm năng to lớn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa. Chúng ta có một kho tàng văn hóa vô giá với hàng chục ngàn di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, thắng cảnh, lịch sử cách mạng; hàng ngàn truyền thuyết gắn với từng gian đoạn lịch sử; gần 8.000 lễ hội dân gian, lịch sử và tôn giáo; hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề truyền thống; hàng trăm trò chơi dân gian; hàng chục loại hình diễn xướng truyền thống… Cùng đó là y học cổ truyền, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục tập quán… Nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc và nhân bản của Việt Nam là mảnh đất hứa hẹn đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam còn chưa được khai thác, hoặc mới được khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, ở tầng nấc bên ngoài chứ chưa đi vào chiều sâu. Điều này có nghĩa còn rất nhiều “dư địa” để những người trẻ khai phá, lựa tìm và đầu tư sáng tạo.
Công chúng hiện tại rất ưa thích cái mới, ủng hộ sáng tạo và ứng dụng công nghệ, sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ chứa đựng các yếu tố văn hóa. Điển hình như di tích Nhà tù Hỏa Lò với hệ thống thuyết minh tự động, không gian trưng bày online, tham quan trực tuyến trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts, và đặc biệt là “tour đêm” trải nghiệm tái hiện qua nhiều hoạt cảnh kết hợp với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng đánh thức mọi cung bậc cảm xúc của du khách đã tạo ra sức hút rất mạnh mẽ và trở thành một sản phẩm du lịch rất hấp dẫn ở Hà Nội.
Công chúng cũng rất háo hức đón chờ các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại để phục dựng và khai thác lịch sử, nghệ thuật như công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo; Boardgame Thần Tích dựa trên bối cảnh cổ tích Việt Nam tuy mới ở giai đoạn in bản thử song đã thu hút được sự quan tâm; các màn trình diễn thực cảnh Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc), Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Ký ức Hội An (Hội An) được diễn ra thường kỳ với tư cách là các sản phẩm trung tâm của các khu du lịch lớn…
Thanh niên Việt Nam đang mang trong mình khát vọng vươn lên khẳng định bản thân, tràn đầy quyết tâm, sẵn sàng học hỏi và không ngại thích nghi để hướng tới thành công. Họ rất giàu ý tưởng, sẵn sàng chia sẻ với tinh thần cởi mở và trên nền tảng được thụ hưởng một nền giáo dục trân trọng văn hóa truyền thống; nhanh nhạy về tư duy, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ một cách nhanh chóng. Nhiều người trẻ dấn thân, vượt quá khó khăn và khởi nghiệp thành công như Đặng Văn Hậu với Tò he Việt, Lê Mạnh Cương sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích”, Đoàn Nhật Quang với “Việt sử giai thoại”, hiện tượng mạng Vlog1977 với sự độc đáo trong nội dung sáng tạo, Đinh Võ Hoài Phương với trang Vlog về du lịch và ẩm thực Khoai Lang Thang… đã góp phần thôi thúc và lan truyền cảm hứng để lớp trẻ tự tin hơn với lựa chọn tự làm chủ con đường sự nghiệp của chính mình.
THỰC TRẠNG THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA Ở VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam. Không ít ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Có thể kể tới các sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ lịch sử của “Việt sử giai thoại”; khôi phục và lan tỏa cổ phục Việt; sản phẩm bánh trà Khuê Văn Các; Bộ cờ tướng “Chiếu kinh thành” lấy ý tưởng từ chiếu chỉ vua ban thời phong kiến; sản xuất và hướng dẫn sử dụng sáo trúc dân tộc Mông; du lịch trải nghiệm khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn liền với thiên nhiên; ứng dụng kết nối du lịch ảo Điện Biên; sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu ẩm thực người Pa Cô; quán cà phê trang trí và trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc Tày, Nùng… Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa thất bại. Tỷ lệ tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng này thường chỉ là 5-10% sau 3-5 năm hoạt động. Năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 140 không gian sáng tạo về nghệ thuật, đến nay, hầu hết đã dừng hoạt động và tuy đã xuất hiện thêm nhưng theo dự đoán, số start-up này có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng một thời gian ngắn.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như do ý tưởng và mô hình kinh doanh chưa phù hợp, trình độ quản lý còn non yếu, thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ít mối quan hệ hợp tác kinh doanh, thiếu trải nghiệm thực tế…, có thể chỉ ra các nguyên nhân khách quan cơ bản như sau:
Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật dành cho khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa chưa hoàn thiện. Hiện nay, chưa có chính sách ưu đãi đặc thù đối với loại hình khởi nghiệp từ văn hóa mặc dù thực tế cho thấy đây là lĩnh vực chậm sinh lời và nhiều phiêu lưu, mạo hiểm so với các lĩnh vực khởi nghiệp khác.
Thứ hai, khả năng tiếp cận vốn của thanh niên khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa còn rất hạn chế. Ngoài gia đình và bạn bè, những người trẻ thường không thể không thể tiếp cận các kênh vay vốn khác như các “nhà đầu tư thiên thần”, ngân hàng, hay quỹ tín dụng bởi họ còn trẻ, ít kinh nghiệm và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa thường có tỷ lệ rủi ro cao.
Thứ ba, các khung chương trình đào tạo đại học chưa chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học, đặc biệt là người học các ngành văn hóa và nghệ thuật. Hiện tại, hầu hết các chương trình đào tạo đều xác định chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với chuyên môn nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp phần đông chọn con đường đi tìm việc làm, số ít muốn tự mình khởi nghiệp thì lúng túng vì chưa được đào tạo bài bản và ít am hiểu về thị trường. Trước thực tế này, vài năm trở lại đây, một số cơ sở đào tạo đã đưa thêm học phần khởi nghiệp vào khung chương trình, song vẫn chưa phổ biến.
Thứ tư, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề nan giải ở Việt Nam. Tình trạng đạo nhạc, mô phỏng ý tưởng, vi phạm bản quyền tác giả… diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trên không gian mạng. Thực tế này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các nghệ sĩ, các nhà sản xuất, đồng thời tạo ra rào cản phát triển đối với thị trường nghệ thuật.
NHỮNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY
Để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ, cụ thể:
Thứ nhất, cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt đối với hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật định liên quan tới công tác quản lý (kiểm duyệt, thẩm định tác phẩm, quyền sở hữu trí tuệ...), hỗ trợ (ưu đãi về thuế, vốn, mặt bằng...) và tài trợ (các quỹ, tổ chức bảo trợ nghệ thuật, hiến tặng…) để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ văn hóa. Có thể tính tới việc đặt ra một tỷ lệ đầu tư nhất định cho khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa trong tổng quỹ đầu tư trên một đơn vị thời gian đối với mỗi nhà đầu tư để thúc đẩy phân phối hợp lý giữa các lĩnh vực.
Thứ hai, cần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho cộng đồng khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa. Hỗ trợ các tổ hợp sáng tạo, không gian làm việc chung, không gian biểu diễn, trưng bày, hội chợ triển lãm... Thúc đẩy kết nối mạng lưới, trao đổi kiến thức và thực hành trong cộng đồng chuyên môn giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, câu lạc bộ, “vườn ươm sáng tạo”, doanh nghiệp, giới truyền thông và đặc biệt là với những “nhà đầu tư thiên thần” quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển văn hóa người dẫn đường khởi nghiệp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa. Bên cạnh việc đổi mới, cải thiện hiệu quả đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông. Việc giáo dục những cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống phải được tiến hành ngay từ các bậc học phổ thông trên ghế nhà trường cũng như trong toàn xã hội thông qua sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các thiết chế văn hóa và phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và thị trường cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động thỉnh giảng, các buổi giao lưu..
Thứ tư, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường thực thi các quy định nhằm làm lành mạnh hóa thị trường văn hóa nghệ thuật, củng cố niềm tin của những người làm công việc dựa trên sự sáng tạo./.
TS. Tạ Thị Bích Ngọc
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
ThS. Nguyễn Quốc Anh
Học viện Đổi mới Sáng tạo - Đại học Quốc gia Ireland