Thứ Sáu, 19/3/2010 23:35'(GMT+7)
Thực hiện các biện pháp mạnh để bình ổn giá cả
Ngày 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.
Đảm bảo khống chế lạm phát ở mức Quốc hội đề ra
Đánh giá công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng trong thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ổn định giá cả như bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm 2010 (3,35%) là mức tăng hợp lý, bình thường, không đột biến và theo xu hướng biến động giá cả có tính quy luật hàng năm của Việt Nam.
Việc điều chỉnh giá điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% so với năm 2009 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09-2,28% tùy theo từng ngành.
Việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác. Trong năm nay sẽ không điều chỉnh thêm giá điện, giá than bán cho sản xuất điện.
Giải trình trước băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển về khả năng đảm bảo kiềm giữ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2010 tăng nhanh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ đã thảo luận kỹ, tháng 1, tháng 2 thường có biến động giá cao hơn các tháng, nhưng không hề có bất thường so với các năm khác.
Nếu quản lý tốt, việc điều chỉnh giá điện, giá than trong thời gian qua sẽ tác động không đáng kể đến đời sống. Với người dân sử dụng ít điện, việc tăng giá điện không ảnh hưởng, nếu dùng nhiều điện thì ảnh hưởng cũng là không lớn.
Khẳng định Việt Nam vẫn đủ điều kiện và khả năng đảm bảo khống chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 trong mục tiêu Quốc hội đề ra,. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích thêm, qua báo cáo của các địa phương, vào thời điểm hiện nay, giá cả hàng hóa bắt đầu nhích xuống.
Trong hai yếu tố chiếm tỷ trọng cao trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng thì lương thực hiện không giảm nhiều, nhưng thực phẩm đã giảm nhiều. Do tác động điều chỉnh giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng, biến động giá cả hàng hóa tuy có xu hướng xuống nhưng sẽ chậm.
Xung quanh việc tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Nghị định 84 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá trong khung nhất định, trên cơ sở biến động giá thị trường và có sự giám sát của nhà nước.
Việc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex chiếm 70% thị trường, tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng không thể đánh giá là độc quyền. Qua kiểm tra, các đợt tăng giá vừa qua của doanh nghiệp là điều chỉnh đúng pháp luật và phù hợp với biến động thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang kiểm soát được giá xăng dầu và đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ nay đến tháng 6/2010, mọi quyết định điều chỉnh giá đều phải báo cáo và giãn cách về thời gian giữa các lần điều chỉnh giá.
Về câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc xung quanh việc Petrolimex hiện vẫn áp dụng quy định về định mức thất thoát theo chuẩn cũ, trong khi các doanh nghiệp khác đã áp dụng định mức mới phù hợp điều kiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới, nên chắc chắn mức tiêu hao sẽ giảm so với trước, nhưng hiện nay bộ vẫn chưa có kết quả cụ thể về vấn đề này.
Trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về vấn đề bội chi ngân sách, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết năm 2009, do suy giảm kinh tế, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu nên dẫn đến bội chi ngân sách có nhích lên.
Việc bội chi ngân sách tuy kích thích phát triển sản xuất nhưng cũng có thể gây ra tác động đến lạm phát.
Năm 2010, Chính phủ có kế hoạch giảm bội chi ngân sách bằng các biện pháp tăng cường phấn đấu công tác thu, kiểm soát chặt chẽ chi. Hiện nay, tổng dư nợ quốc gia vẫn trong ngưỡng an toàn, không có nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính.
Huy động và giải ngân có hiệu quả trái phiếu Chính phủ
Trước sự quan tâm Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Quang Bình về vấn đề huy động, sử dụng trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, trong năm 2008, 2009 và đầu năm 2010, việc huy động trái phiếu Chính phủ đã gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp để khắc phục vấn đề này và đã có những triển vọng tốt. Năm 2009 ngoài việc huy động trực tiếp còn có sự huy động quỹ nhàn rỗi của bảo hiểm xã hội, huy động tồn ngân kho bạc, bộ trưởng cho biết thêm.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cam kết sẽ đảm bảo nguồn vốn dành cho Dự án đường tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông theo đúng kế hoạch Quốc hội duyệt và Chính phủ giao.
Cùng chung ý kiến này, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, sau Tết, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tăng trở lại 1,04%, tiền gửi dân cư tăng 8%. Vì vậy, có thể hy vọng, rằng trong thời gian tới, việc huy động trái phiếu Chính phủ sẽ thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đồng ý với ý kiến của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng việc giải ngân trái phiếu Chính phủ chưa đạt tiến độ kế hoạch mà nguyên nhân không chỉ do công tác nghiệm thu, quyết toán công trình, dự án mà còn có cả lý do khác như khâu chuẩn bị các dự án chưa tốt.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2009, tổng huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ được 92.800 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009.
Hai tháng đầu năm 2010, con số này là khoảng 5.000 tỷ đồng, xấp xỉ 9% nhu cầu vốn đầu tư phát triển của năm. Đến hết năm 2009, hoạt động giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước khoảng 118.600 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009.
Kiểm soát việc định giá tài sản các doanh nghiệp khi cổ phần hóa
Trả lời câu hỏi của đại biểu về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trung bình hằng năm tăng khoảng 30% so với năm trước, lợi nhuận tăng khoảng 18-20%, nộp ngân sách tăng từ 50-65% so với năm trước liền kề.
Hiện đã có một số quy định mới về huy động vốn như đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm ngân hàng khống chế khoảng 20% vốn… tất cả các quy định mới về nội dung này đang được thực hiện nghiêm túc.
Về việc hỗ trợ lãi suất 4% chung cho các thành phần kinh tế trừ 1 số doanh nghiệp đặc thù, Bộ trưởng khẳng định việc hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động được vốn, thực hiện ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đánh giá đây là biện pháp tác động đồng bộ với các giải pháp khác. Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ chưa có chủ trương thu lại nguồn hỗ trợ lãi suất này.
Xung quanh vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2009, theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cả nước đã sắp xếp được 5.532 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được hơn 3.900.
Thừa nhận tiến độ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2009 chậm so với kế hoạch, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân là một số doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp, cổ phần hóa có quy mô vừa và lớn, nên phải thận trọng, việc phân tích tình hình tài chính, tài sản, các nguồn vốn và xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Để đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa công ty nhà nước trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị nâng cao chất lượng công tác xác định giá trị của doanh nghiệp theo hướng phù hợp với giá thị trường, đổi mới chính sách bán cổ phần cho người lao động, tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Kết luận về phần trả lời chất của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề xã hội quan tâm và yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ ngành hữu quan cần tiếp tục phối hợp để làm tốt chức năng tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
* Ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động của Bộ Xây dựng tại các khu chung cư, đô thị mới đảm bảo an toàn, sạch đẹp và văn hóa.
Bộ trưởng cũng trả lời chất vấn về việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng ở các tỉnh, thành phố và đặc biệt là quản lý xây dựng ở các đô thị lớn.
Cần phân cấp mạnh trong công tác thanh tra xây dựng
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trước tình trạng số lượng các vụ tai nạn lao động ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, bộ luôn xác định để hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra trên công trình xây dựng, trước hết mỗi công trình phải an toàn. Đây là trách nhiệm của bộ đã và đang làm.
Tuy nhiên, trước thực tế số lượng các công trình xây dựng và quy mô các công trình xây dựng tăng lên; lực lượng lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong xây dựng các công trình cao tầng và các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp ngày càng cao nên việc ban hành các quy chuẩn, quy phạm pháp luật chưa đủ là thiếu sót của bộ, Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng ngành nghề xây dựng đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp rất cao, đòi hỏi tổ chức, cá nhân tham gia phải có nghề, có năng lực chuyên môn. Nhà nước đã có những quy định về vấn đề này nhưng vẫn hơi lỏng, nhất là về công tác tổ chức.
Bộ vẫn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc về an toàn lao động nhưng quả thực vẫn chưa làm hết.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát trong ngành xây dựng cần có sự phân cấp rõ ràng hơn. Có một nghịch lý là ở cấp huyện hiện tại không có lực lượng kiểm tra, kiểm soát trong ngành xây dựng, trong khi hoạt động xây dựng chủ yếu diễn ra ở cơ sở.
Không đồng tình với cách trả lời vòng vo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Mã Điền Cư đề nghị bộ trưởng trả lời trực tiếp và rõ ràng hơn về trách nhiệm của bộ, của trực tiếp bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng tai nạn lao động ngày càng tăng cao và đề nghị làm rõ những hạn chế, yếu kém của bộ trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn lao động.
Sau khi liệt kê hàng loạt các tiêu chuẩn về kỹ thuật xây dựng đã được ban hành từ trước tới nay, Bộ trưởng cho biết trong phạm vi quản lý của mình, bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện, năng lực của các chủ thể, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Đồng thời để kiểm soát tốt hơn công tác an toàn lao động trong xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành hệ thống các tiêu chuẩn riêng cho công tác an toàn lao động trong xây dựng (26 tiêu chuẩn) và an toàn phòng chống cháy nổ (21 tiêu chuẩn).
Bộ trưởng Quân bày tỏ: "Nếu các tiêu chuẩn đã được ban hành này vẫn chưa đủ thì đó là thiếu sót của tôi, trách nhiệm của tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục ra soát để bổ sung cho hoàn thiện hơn."
Về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trên các công trường thi công, Bộ trưởng Quân cho biết, ngoài những nguyên nhân do người sử dụng lao động, do sự chủ quan của người lao động, chủ đầu tư và các nhà thầu hoạt động xây dựng không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn xây dựng, còn có một phần nhỏ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, không lường hết được do tính chất phức tạp trong thi công xây dựng.
Không có câu hỏi dành cho Bộ trưởng nhưng đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần quyết liệt hơn trong đảm bảo an toàn lao động, phải có biện pháp xử lý triệt để hơn. Ngoài ra, đối với nhà thầu nếu có hiện tượng sai phạm gây hậu quả lặp đi, lặp lại phải đình chỉ hoạt động; cần mạnh dạn truy tố, khởi tố, xét xử người đứng đầu nhà thầu, chứ không thể để diễn ra như vậy.
Bộ trưởng cho biết, các vụ tai nạn lao động đều có xử lý từ hành chính tới hình sự. Tuy nhiên cũng có vụ việc rất nghiêm trọng nhưng sau khi thanh tra, kiểm tra cho thấy không tới mức xử lý hình sự mà chỉ ở mức hành chính.
Làm rõ hơn về trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong trong lĩnh vực này đã được ban hành đầy đủ, nhưng trong quá trình thực hiện chưa tốt, chưa đúng. Khâu kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng Nhà nước có vấn đề về năng lực, bộ máy và con người.
An toàn cho khu chung cư và khu đô thị mới
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề đảm bảo an toàn cho khu chung cư, khu đô thị mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình đều thực hiện theo quy chuẩn, quy định đề ra.
Tuy nhiên, trong thực tế, trong quá trình vận hành để xảy ra cháy như cháy ở tòa nhà JSC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) là do trong quá trình thi công xây dựng đã đưa vật liệu láy vào làm ống khói (vật liệu nhựa sợi thủy tinh) không đúng với tiêu chuẩn quy chuẩn mà vẫn được nghiệm thu.
Khi sự việc xảy ra, kiểm tra lại mới thấy việc này. Bộ trưởng cho rằng đây cũng là một kẽ hở bởi khi đi kiểm đến tận gốc rễ thì người bán đã bán được rất nhiều loại vật liệu này. Biện pháp khắc phụ trước mắt là tất cả công trình có lắp vật liệu trên phải kiểm tra lại và có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết, Bộ Công an phối hợp tốt với Bộ Xây dựng xử lý các vụ việc vi phạm an toàn lao động xảy ra trong ngành xây dựng. Các vụ việc đều tiến hành điều tra làm rõ, nếu có yếu tố vi phạm pháp luật thì làm rõ, không có thì xử lý hành chính. Về vấn đề đảm bảo an toàn cho khu chung cư và khu đô thị mới, bộ chỉ chịu trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm.
Hiện nay, các chung cư cũ không có hệ thống phòng cháy, chưa cháy và thang thoát hiểm chiếm tới 70%. Bộ Công an phối hợp với các bộ liên quan tiến hành kiểm tra các chung cư cũ, mới.
Đối với chung cư cũ đã kiến nghị bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm. Các chung cư mới bắt buộc phải đưa vào thiết kế. Tuy nhiên, do trong quá trình xây dựng, công tác kiểm tra, giám sát không được thường xuyên nên vẫn để xảy ra.
Không có quy hoạch chi tiết: Vẫn “đào lên lấp xuống”
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là quản lý xây dựng ở các đô thị lớn, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, hiện nay quy hoạch chung cơ bản là có đủ đến cấp thị xã và đô thị loại 3 trở lên, quy hoạch chi tiết 1/2.000 trở xuống thì thiếu do không làm kịp.
Chính điều này đã dẫn tới tình trạng “đào lên lấp xuống” tại các khu đô thị do không có quy hoạch và quy hoạch không đi trước một bước. Bộ trưởng cho rằng, nếu có quy hoạch chi tiết, khi tổ chức xây dựng sẽ thấy ngay tổng thể và sẽ tránh được tình trạng trên.
Tuy nhiên hiện nay, tổ chức quản lý đô thị thuộc về các cơ quan khác nhau, nguồn vốn đầu tư khác nhau và đó là bất cập hiện nay, đặc biệt đối với vấn đề hạ tầng của đô thị. Việc đưa ra ngầm hóa ở các đô thị lớn hiện nay chính là để khắc phục tình trạng này, góp phần làm an toàn vận hành, giữ cảnh quan môi trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện quy hoạch không chỉ là việc của ngành xây dựng. Nếu đô thị phát triển theo quy hoạch sẽ đảm bảo yếu tố đồng bộ và để làm được điều này cần đồng bộ từ cơ quan quan lý, từ vốn đầu tư vì vậy rất cần cần vai trò nhạc trưởng trong đô thị. Bộ Xây dựng không thể làm hết được./.
Theo Vietnam+