Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức
Phát cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong
thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề xuất
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương
tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh
Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là triển khai, hành động quyết liệt đến cấp cơ sở (xã, huyện); thành lập và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai; rà soát, đánh giá công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư, đô thị đảm bảo an toàn với các tình huống thiên tai như hạn hán, lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, mưa lớn…
Cùng với đó, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị định số 94/2014/NĐ-CP, báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP và một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tế; rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1002; các dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng bị thiên tai; ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác phòng, chống thiên tai (lũ, sạt lở, hạn hán...); rà soát quy hoạch thủy lợi, sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong tưới tiết kiệm...
Nội dung đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng nêu rõ, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai như hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ, lũ quét, sạt lở đất...; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, sạt lở đất làm cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện; tăng cường năng lực trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác phòng chống thiên tai theo nội dung Công văn số 23/TWPCTT ngày 6/4/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn dự 9 phòng ngân sách để hỗ trợ các địa phương, các Bộ, ngành kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất. Khẩn trương hoàn thành Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020; Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/2/2015 ban hành kế hoạch triển khai đề án nêu trên; triển khai thực hiện kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Yêu cầu các địa phương sớm kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa nước, đê điều và công trình phòng chống thiên tai khác. Đối với những hồ không đảm bảo an toàn, thực hiện giảm dung tích hoặc không trữ nước vào hồ trong mùa mưa bão. Rà soát, kiểm tra đánh giá xác các định các vị trí, tuyến đường giao thông trọng điểm xung yếu về sạt lở, đặc biệt là đối với các tuyến đường đang thi công để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục khi có sự cố; rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động các phương tiện, nhất là các phương tiện vận tải hành khách đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ; rà soát, đánh giá các khu dân cư ven sông, suối, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để lập quy hoạch xây dựng hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước khu đô thị, các khu tập trung dân cư để chủ động các biện pháp nhằm đảm bảo tiêu thoát nước trong các tình huống mưa, lũ. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; tăng cường thời lượng phát các bản tin cảnh báo, dự báo và văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, bản, người dân
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, 6 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại...) đã làm 37 người chết, 5 người mất tích, 108 người bị thương, hơn 385 nghìn hộ trong tình trạng thiếu nước, nhà sập, nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng... Tổng thiệt hại về tài sản gần 17 nghìn tỷ đồng. Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm... đã hỗ trợ kịp thời hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai./.
Thắng Trung/TTXVN