Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 10/7/2016 8:34'(GMT+7)

Phát hiện thực phẩm “bẩn”: Gặp khó khăn do thiếu Thông tư hướng dẫn

Hơn 9.600 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong 6 tháng

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm/59.775 hành vi (giảm 810 vụ, giảm 1,5 % so với cùng kỳ năm 2015); tổng số thu nộp ngân sách 329,86 tỷ đồng (tăng 96,34 tỷ đồng, tăng 41,2 % so với cùng kỳ năm 2015); trị giá hàng tiêu huỷ 82,28 tỷ đồng.

Trong đó, riêng vi phạm an toàn thực phẩm lực lượng QLTT đã xử lý 9.624 vụ với trị giá hàng vi phạm 73,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 23,1 tỷ đồng. 

Một số vụ gần đây có thể kể đến như, ngày 30/4, Chi cục QLTT Thanh Hoá phối hợp với công an huyện Tĩnh Gia kiểm tra ô tô biển số 37C-07904, phát hiện trên 3 tấn cá đốm đã thối rữa, không còn nguyên dạng, bốc mùi hôi thối. Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá nêu trên theo quy định.

Ngày 5/5, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt, phát hiện trên 161 tấn tôm sú đông lạnh hết hạn sử dụng.

Ngay sau đó, ngày 9/5, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Phương Nga, phát hiện 132,1 tấn bột mì các loại do Nhật sản xuất đã hết hạn dùng và 1,600 tấn bột mì hiệu 555 hết hạn dùng được công ty thay bao cũ đóng vào bao mới với hạn sử dụng 15/9/2016. Chi cục QLTT đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng nêu trên để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Mặc dù phát hiện được nhiều vụ việc về thực phẩm bẩn nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLTT, công tác kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy và xử lý các vụ việc này còn nhiều bất cập do thiếu kinh phí hoạt động.

“Kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hoá, kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và việc lưu giữ, bảo quản hàng hoá chờ xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại, động thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Đa số các lực lượng chức năng đều không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và tác động xấu đến môi trường”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Thiếu Thông tư hướng dẫn

Đồng tình với ông Bình, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cũng chia sẻ, trong công tác xử lý vi phạm hành chính, có biện pháp tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, nhưng hiện tại Chi cục QLTT Hà Nội đang không có kho lưu giữ chuyên dụng gây khó khăn trong việc bảo quản, xử lý tang vật vi phạm, nhất là tạm giữ hàng thực phẩm đông lạnh, sản phẩm gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản tươi sống.

Đặc biệt, ông Chu Xuân Kiên cho rằng, điểm hạn chế lớn nhất trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm là do Bộ Công Thương chưa ban hành Thông tư hướng dẫn quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Cụ thể, theo ông Kiên, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng ATTP nói chung và kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng còn quá nhiều, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo.

Tính ổn định của một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ (Nghị định 185/NĐ-CP). Sự thiếu ổn định của các văn bản QPPL đó đã gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát ATTP của các cơ quan nhà nước.

“Chính vì sự bất cập này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm ghi lên nhãn hàng hoá của mình các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài kiểm soát nào.

Mặt khác, nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như người tiêu dùng về ATTP còn nhiều hạn chế. Việc xử lý các vi phạm ATTP ở một số cơ quan chức năng còn chưa kiên quyết, nhất là ở tuyến xã, hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở.

Việc xử lý vi phạm tại các làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo thời vụ như sản xuất bánh, kẹo, mứt tết… khi tiến hành kiểm tra và xử lý, các cơ sở này thường bỏ và không kinh doanh nữa và không có sự hợp tác với các cơ quan chức năng, do vậy QLTT gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý”, ông Chu Xuân Kiên cho biết.

Đối với những kiến nghị Chi cục QLTT Hà Nội nêu, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, 6 tháng cuối năm, Cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tập trung thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Mặt khác, lãnh đạo Cục QLTT cũng khẳng định, sau khi Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh QLTT được ban hành sẽ là “kim chỉ nam” cho lực lượng QLTT thực hiện nhiệm vụ/.

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất