Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 12/1/2015 9:51'(GMT+7)

Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong giai đoạn hiện nay

Những đòi hỏi của thực tiễn về giám sát, phản biện xã hội

Giám sát và phản biện xã hội là sự tham gia của cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh. Do đó, phản biện xã hội là sự tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội; là sự thể hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, thước đo trình độ phát triển của một xã hội. Phản biện xã hội là sự tập hợp sức mạnh cộng đồng để giải quyết vấn đề xã hội. Chính vì vậy, làm tốt công tác phản biện xã hội là tạo được sức mạnh to lớn cho các phong trào hành động cách mạng.

Phản biện và tự phản biện là “cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên... Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội”(1).

Trong điều kiện một đảng cầm quyền ở nước ta, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và tính ưu việt nổi trội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng duy ý chí, chủ quan. Do vậy, cần phải có một cơ chế cụ thể, rõ ràng, minh bạch để nhân dân bày tỏ thẳng thắn ý kiến, thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Ðiều này là thực sự cần thiết đối với các dự thảo, dự án, dự kiến những quyết định lớn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Giám sát và phản biện xã hội sẽ giúp Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị kiểm nghiệm các chủ trương, chính sách có thực sự hợp quy luật và hợp lòng dân hay không, giúp Đảng và hệ thống chính trị thực sự vì dân để dân tin Đảng, đi theo Đảng. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của mình, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, giúp không ngừng hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng tốt hơn, từ đó phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn. Người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội với tư cách vừa là người chịu sự lãnh đạo, vừa là người làm chủ, vừa là người thực hiện, đồng thời vừa là người được phục vụ và thụ hưởng. Nhận thức được tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội”(2).

Báo chí với chức năng giám sát và phản biện xã hội


Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Những năm qua, báo chí đã thực hiện khá tốt chức năng này, đã cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần đáng kể tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”(3). Trước đó, trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (tháng 2-1999), Đảng ta đã khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.

Giám sát xã hội của báo chí trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời cũng sớm phát hiện những “khiếm khuyết” của các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước. Vai trò và sức mạnh giám sát xã hội của báo chí trước hết là phát hiện những việc làm tốt và những sai phạm của tổ chức, cá nhân qua đó khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân.

Xã hội càng phát triển thì dân chủ càng mở rộng, quyền lực của nhân dân càng được tăng cường, đặc biệt là quyền giám sát các cơ quan công quyền, các công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước nhằm hạn chế, kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. Bởi khi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến lạm dụng; lạm dụng quyền lực dẫn đến tha hóa quyền lực. Vì vậy, việc tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, nhân dân và báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua, báo chí đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang làm cản trở sự phát triển của đất nước. Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng.

Trên thực tế, nhiều vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn, hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp, nhưng cũng đã được nhân dân và báo chí lật tẩy. Cho dù còn có những hạn chế, khuyết điểm của việc báo chí tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, song phải khẳng định một điều, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Sức lan tỏa của báo chí rất nhanh và lớn, nhất là trong xu thế báo chí kết nối mạng internet toàn cầu. Đó là cơ sở thực tiễn của việc báo chí tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội.

Trong vai trò giám sát và phản biện của mình, báo chí không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội. Trong thời gian gần đây, không ít văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương quy định thiếu tính thực tiễn, chưa ra đời hoặc vừa ra đời đã... “chết yểu”, như quy định ngực lép không được lái xe; quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân; quy định về số vòng hoa trong tang lễ; quy định thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ, hay dự thảo thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C… Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nêu trên của các bộ, ngành, khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, hoặc khi biết thông tin, báo chí đã đồng loạt có những bài phản biện và kết quả là nhiều bộ, ngành phải thu hồi lại dự thảo, hoặc chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

Mặt khác, báo chí cũng đã khơi gợi vấn đề, mở diễn đàn tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, giúp cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp sửa đổi nội dung, quy định của văn bản đó phù hợp thực tiễn cuộc sống, xã hội, từng bước hoàn thiện nền pháp chế XHCN.

Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm bắt đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng tâm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, các cơ quan báo chí - truyền thông đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng giám sát, phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí - truyền thông cũng ngày được nâng cao.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân do vụ lợi cá nhân, vì tư thù viết bài, đưa tin thiếu trung thực, không khách quan, hoặc do trình độ hiểu biết có hạn, không am hiểu lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội nên đã không có cái nhìn toàn cục, chỉ nắm bắt thông tin và phản ánh theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa”.

Mặt khác, trước thực tế toàn cầu hóa về thông tin, "thế giới phẳng”, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều thông tin được tự do đưa lên mạng, không được kiểm soát, rồi tin xấu, tin độc hại, bôi nhọ, bịa đặt... núp bóng phản biện xã hội, gây không ít phiền toái cho nhà quản lý cũng như gây hoang mang dư luận. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần phải có một đội ngũ các nhà báo chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp để phản biện những sai trái, lệch lạc đó bằng việc thông tin chính xác, trung thực, khách quan các sự việc, vấn đề, định hướng dư luận xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí

Để báo chí thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội, cần tập trung làm tốt các mặt sau:

Trước hết, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giám sát, phản biện trong xã hội. Phản biện xã hội được ghi trong Văn kiện Đại hội của Đảng: “Phản biện xã hội là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Mọi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều phục vụ lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu”.

Cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng để nhân dân bày tỏ thẳng thắn ý kiến và phản biện đối với dự thảo, dự kiến, dự án, những quyết định lớn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội hiểu rõ hơn về việc thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; về góp phần để cùng báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm cho hoạt động trong giám sát, phản biện xã hội của báo chí.
Phản biện xã hội của báo chí vừa là hoạt động mang tính xã hội, vừa là hoạt động mang tính khoa học, ràng buộc quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình phản biện. Hiện nay, chức năng phản biện xã hội của báo chí mới dừng lại ở chủ trương, đường lối của Đảng, mà chưa được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, vì vậy cơ chế pháp lý cho hoạt động phản biện của báo chí chưa được xác định một cách rõ ràng và đầy đủ. Cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phản biện xã hội của báo chí theo hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, cần thiết phải nêu rõ về cơ chế phản biện xã hội của báo chí như một điều luật cơ bản, để bảo đảm và thực thi giám sát và phản biện xã hội của báo chí.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Bản chất của phản biện xã hội là sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Và mặc dù, phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí như đã nêu ở trên, nhưng trên thực tế cho thấy, báo chí không thể “đơn độc” trong hoạt động phản biện xã hội mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội.

Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị còn nhiều hạn chế. Có lĩnh vực còn chưa quy định về công khai, minh bạch, dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung có thể và cần phải công khai, minh bạch, nhất là trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và công khai báo cáo tài chính trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; công khai việc giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất; công khai trong công tác cán bộ; công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra; công khai, minh bạch các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công khai trong ấn định mức thuế... gây khó khăn cho báo chí khi tiếp cận nguồn thông tin để thực hiện phản biện xã hội. Vì vậy, để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội rất cần sự vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội và các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cho nhà báo.

Đây là một nội dung quan trọng, bởi vì yếu tố con người là cốt lõi của mọi vấn đề. Nhà báo phải được thường xuyên nâng cao về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì một nhà báo yếu kém về năng lực nghiệp vụ rất có thể sẽ không đủ trình độ để nhận thức chính xác bản chất của sự việc để phản biện vấn đề, dễ dẫn đến sai sót tai hại. Cùng với đó, rất cần phải thường xuyên tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nhà báo để tăng cường bản lĩnh chính trị và nâng cao ý thức nghề nghiệp cho nhà báo. Tự thân mỗi nhà báo cần phải phát huy tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp một cách thường xuyên, liên tục, suốt cả đời thông qua hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. Mặt khác, cũng cần phải có sự giám sát, giáo dục của cơ quan báo chí nơi nhà báo trực tiếp công tác, gắn bó sinh mệnh nghề nghiệp của mình, bởi vì chỉ có cơ quan báo chí mới trực tiếp giáo dục, động viên nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời và hiệu quả những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo./.

----------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Trần Đăng Tuấn. Phản biện xã hội - câu hỏi đặt ra từ cuộc sống. NXB Chính trị quốc gia, H. 2006, tr 9-10.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. H. 2006, tr 305.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. H. 2011, tr 225.


ThS. Nguyễn Quang Vinh

Học viện Hành chính Quốc gia
(Nguồn: TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất