Thời gian gần đây, mỗi năm Cục Sở hữu trí
tuệ đã tiếp nhận khoảng 90.000 đơn các loại, trong đó trên 50% là đơn
đăng ký xác lập quyền… nhưng công tác xử lý đơn chưa đáp ứng được kỳ
vọng của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp do có nhiều khó khăn cả về
phía chủ quan và khách quan. Để giải quyết vấn đề này, Cục Sở hữu trí
tuệ đề xuất thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ
trong thời gian tới.
* Yêu cầu bảo hộ ngày càng tăng
Tại hội nghị về "Quản lý sở hữu trí tuệ" vừa diễn ra, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ dẫn nhiều con số về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, năm 2015 Cục Sở đã tiếp nhận gần 94.000 đơn các loại, trong đó hơn 50.900 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 10% so với năm 2014), còn lại là các đơn khác liên quan đến sở hữu trí tuệ. Dự kiến, năm 2016 số lượng đơn tăng hơn so với năm 2015.
Do tình hình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế nên số lượng đơn về sở hữu trí tuệ ngày càng tang, nhưng công tác xử lý đơn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp do khó khăn cả về phía chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chính là hệ thống công nghệ thông tin chưa được nâng cấp kịp thời trong khi dữ liệu ngày càng lớn nên ảnh hưởng đến tốc độ tra cứu và xử lý; sự cố mất dữ liệu trong hệ thống IPAS vẫn chưa khắc phục được nhiều đã làm ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết đơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy được tăng cường hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như trung hạn.
Thực tế trong việc xử lý đơn, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý hơn 75.200 đơn các loại, trong đó có 35.360 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 8,7% so với năm 2014), trong đó: chấp nhận bảo hộ 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp; từ chối bảo hộ 9.739 đối tượng sở hữu công nghiệp; ngoài ra đã xử lý 39.923 đơn các loại khác. Đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ cho 25.337 đối tượng sở hữu công nghiệp (giảm 6,1% so với năm 2014)...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Trong tình hình Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt Việt Nam đã là thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do như FTA với EU, Hàn Quốc… Nên vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề “nóng” khi tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều, càng phức tạp và tinh vi nên việc giải quyết đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống chính sách, pháp luật cũng như quản lý để đảm bảo quyền lợi cho chủ thể quyền.
Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, việc khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng nghĩa với việc tăng số lượng và chất lượng đơn sáng chế của Việt Nam để sở hữu trí tuệ trở thành công cụ đắc lực góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, doanh nghiệp phải quan tâm để nhận thức vai trò quan trọng của việc nộp đơn ra nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh. Lúc này, vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ các tài sản trí tuệ càng trở nên cần thiết, do đó các cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp nộp đơn ra nước ngoài để bảo hộ sáng chế, sản phẩm tăng, ngược lại thì các doanh nghiệp nước ngoài nộp đơn vào Việt Nam cũng tăng.
* Giải pháp tăng hiệu quả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh: Hoạt động sở hữu trí tuệ thời gian qua diễn ra sôi động trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương và đã có nhiều đóng góp thiết thực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Điển hình như việc chậm ban hành văn pháp luật, tồn đọng trong công tác thẩm định đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển tài sản trí tuệ còn chậm được triển khai…
Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với các địa phương thúc đẩy triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhằm đưa khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng để góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Để tập trung đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề ra nhiều giải pháp như: Sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký để ban hành Chương trình hành động quốc gia về sở hữu trí tuệ; Tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật về sở hữ trí tuệ, cụ thể: xây dựng Kế hoạch sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật có liên quan; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành các thông tư sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 22 về phí và lệ phí và Thông tư về tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định về sáng kiến.
Đặc biệt, sẽ tiến hành các giải pháp đồng bộ để nâng cao tốc độ xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể: Triển khai tốt Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ”, hoàn thiện Quy định về phân cấp trong xử lý đơn, tăng cường đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác của Cục, đặc biệt là công tác quản trị đơn sở hữu công nghiệp; triển khai việc nộp đơn điện tử trực tuyến và giao dịch với người nộp đơn qua mạng Internet theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ… Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng tiếp tục thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế - PCT…/.
Theo TTXVN