Thứ Ba, 26/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 19/11/2011 20:31'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới : Đầu tư xây dựng thúc đẩy các vùng nông thôn phát triển

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

* Hậu Giang đang thực hiện giai đoạn 1 của chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô 2011-2012 với khối lượng thực hiện đạt khoảng 44% kế hoạch. Dự kiến đến cuối tháng 12/2011, toàn tỉnh hoàn thành từ 70 đến 80% kế hoạch của giai đoạn 1.

Thành công lớn nhất trong chiến dịch này là nhiều địa phương đã chú ý đến chất lượng công trình. Nhiều tuyến đường mới liên xã, liên ấp được làm rộng từ 2,5 - 3m (trước đó chỉ rộng 2 mét) và được làm bằng bê tông kiên cố, cao độ công trình cũng cao hơn, góp phần giúp bà con đi lại dễ dàng trong mùa lũ. Trong đợt lũ và triều cường tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Hậu Giang có tới 34% tuyến đường giao thông của huyện và xã bị ngập, gây thiệt hại trên 15 tỷ đồng do hầu hết các tuyến đường trên đều lấy đỉnh lũ của năm 2000 làm chuẩn trong khi đợt lũ và triều cường vừa qua nhiều nơi có mức nước cao hơn đỉnh lũ năm 2000.

* Nhằm đẩy nhanh bước phát triển kinh tế - xã hội các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đặc biệt là đối với 17 xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Trà Vinh vừa đề ra chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng nguồn vốn thực hiện 4.558 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trà Vinh vẫn còn 1.611 km đường nông thôn mặt đường là đất, 813 km đường hư hỏng nặng cần được nâng cấp, mở rộng và cần xây dựng mới 1.719 cây cầu với tổng chiều dài hơn 22.700 m, để đảm bảo giao thông thông suốt toàn bộ hệ thống đường liên xã, liên ấp.

Để thực hiện được chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương 65% nguồn vốn, ngân sách tỉnh 20%, ngân sách huyện và huy động nhân dân 15% để xây dựng các công trình giao thông mới. Riêng nguồn vốn đầu tư xóa cầu tạm (cầu khỉ), ngân sách tỉnh sẽ đầu tư 30 %, còn lại giao cho các huyện tự cân đối ngân sách và huy động nguồn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai giai đoạn I xây dựng giao thông nông thôn với tổng vốn dự kiến huy động khoảng 2.800 tỷ đồng.

* Nghệ An đang tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó việc hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của một số ban ngành, địa phương chưa quyết liệt; có địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch nông thôn mới chưa đảm bảo quy trình dân chủ ở cơ sở; nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, coi nhẹ hỗ trợ phát triển sản xuất. Chi cục nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, hầu hết các địa phương trong tỉnh trong quá trình lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn; việc huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng chưa rõ ràng, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tỉnh Nghệ An quy định mỗi xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được bố trí 50 triệu đồng kinh phí hỗ trợ sản xuất. Do nguồn kinh phí ít nên các địa phương lúng túng trong việc thực hiện; trong khi đó, mỗi địa phương giải ngân một kiểu (có địa phương giao Trung tâm khuyến nông thẩm định, có địa phương lại giao Phòng Nông nghiệp huyện thẩm định) nên việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả thấp. Khắc phục những bất cập trên, hiện nay các địa phương trong tỉnh Nghệ An đang đề nghị tỉnh và Trung ương cho các xã để lại 70% nguồn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất và lệ phí đất để các xã xây dựng chương trình nông thôn mới; có chính sách đặc thù cho các xã điểm, huyện điểm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; tăng thêm kinh phí hỗ trợ sản xuất từ 50 - 150 triệu đồng/xã và thống nhất giao Phòng Nông nghiệp các huyện thẩm định.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An cũng đang nhân rộng một số điển hình từ các địa phương trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, như: thành phố Vinh, huyện Kỳ Sơn làm tốt công tác quy hoạch; công tác dồn điển đổi thửa ở huyện Thanh Chương; huyện Anh Sơn điển hình trong công tác tuyên truyền…/.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất