Ngày 3/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (12 – 10/1/2011) cho 150 cán bộ chủ chốt một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XI đã đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta. Những bước phát triển tư duy này vừa có sự kế thừa những tư duy trước đây, vừa là sự đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn. Những tư duy này sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đường lối, chính sách đối ngoại mà Đại hội XI đề ra sẽ góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh của dân tộc, tiếp tục kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Giới thiệu về đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) Phạm Hữu Chí nêu rõ: Đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XI thể hiện tính xuyên suốt, kế thừa, bổ sung và phát triển, vừa tiếp nối đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ Đổi mới, vừa có những phát triển mới phù hợp với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn đất nước ta hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Điểm mới của đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XI chính là xác định rõ mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Về nguyên tắc đối ngoại, bên cạnh việc bảo đảm lợi ích quốc gia, Việt Nam luôn tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng các nguyên tắc ứng xử của khu vực. Phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Về công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong tình hình mới, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nêu ra một số định hướng về tăng cường phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành, địa phương; tăng cường trao đổi thông tin đối ngoại; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực liên quan cho cán bộ làm công tác đối ngoại.../.
Theo TTXVN