Thứ Bảy, 4/5/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 16/3/2019 14:42'(GMT+7)

Thuốc chữa bệnh “diễn”

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Đầu tháng 3/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn gửi các trường học trên địa bàn về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa cấp thành phố năm học 2018-2019. Theo đó nghiêm cấm các nhà trường tuyển chọn học sinh tham dự học tập trong các tiết dự thi giáo viên dạy giỏi; không được dàn xếp, dạy trước... với học sinh của lớp được phân công tiết dự thi; không được yêu cầu học sinh chuẩn bị quá mức bình thường.

Đây chỉ là một công văn “nhắc việc” - một việc mà năm nào ngành giáo dục cũng làm, nhưng với nhiều người thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có một “hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”.

Câu chuyện cấm dàn xếp khiến tôi nhớ hồi còn học trung học phổ thông, “bỗng nhiên” mình được cô giáo chủ nhiệm bảo thứ bảy tới, sang học tiết Vật lý của lớp bên cạnh. Vốn học giỏi môn Vật lý, tôi được dặn là giơ tay phát biểu và lên làm thí nghiệm. Hóa ra, hôm đó mới là hôm “luyện”, dù chúng tôi đã học qua tiết học này. Chúng tôi được dặn dò ăn mặc đẹp, để học tiếp một lần nữa. Tiết học ấy có nhiều thầy cô ngồi dưới quan sát. Chúng tôi “tua” lại những gì mình đã tập dượt. Sau này tôi mới hiểu, tôi là học sinh được “mượn” cho cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Chuyện đó diễn ra cách đây đã gần ba chục năm. Những hội thi giáo viên dạy giỏi vẫn cứ tiếp diễn. Cùng với đó, năm này qua năm khác, câu hỏi “hội thi” hay “hội diễn” vẫn cứ âm ỉ trong dư luận.

Cũng giống như các cuộc thi học sinh giỏi, giáo viên thi dạy giỏi cũng phải “luyện”. Nhiều giáo viên chuẩn bị hàng tháng trời. Nhà trường có khi còn lập cả “tổ tư vấn”, để hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên của mình cả đạo cụ, lẫn cách ăn nói, ngôn ngữ cơ thể sao cho màn “diễn” suôn sẻ nhất.

Tất nhiên, khi giáo viên mải miết “ôn thi”, người thiệt thòi vẫn là những em học sinh mà giáo viên đó đứng lớp. Có chuyện mượn học sinh khá giỏi đến, thì cũng có chuyện những em học lực yếu được nghỉ. Tất nhiên, có cả những dư luận về “mớm bài”, “gà bài”. Có điều, hiếm khi có những thông tin được chính thức thừa nhận.

Cách đây chừng hai tháng, thông tin nhiều phụ huynh một trường tiểu học trên địa bàn quận Ngô Quyền (Hải Phòng) phàn nàn về việc con em học lực kém nên phải tạm nghỉ ở nhà để cô giáo thi giáo viên dạy giỏi, đồng loạt xuất hiện trên báo. Sau đó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) kết luận việc học sinh kém không được đến lớp vì hội thi giáo viên dạy giỏi tại quận Ngô Quyền là không có cơ sở. Với những gì thực tế diễn ra, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về kết luận này.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải ra một công văn cấm tuyển chọn học sinh, dàn xếp, dạy trước cho học sinh của lớp được phân công tiết dự thi giáo viên dạy giỏi khiến nhiều người cho rằng, đó là một cách thừa nhận gián tiếp, việc giáo viên “diễn”, việc “dàn dựng” là có thật.

Nhưng việc cấm dàn xếp có chữa được bệnh “diễn” hay không lại là một câu chuyện khác. Cơ chế nào để giám sát việc cấm dàn dựng? Nếu các trường học vẫn dàn dựng, các giáo viên vẫn dành thời gian “luyện thi” hàng tháng trời thì sao? Những câu hỏi này chưa có lời đáp.

Công văn “cấm dàn xếp” xem ra mới là “thuốc ngoài da”. Muốn chữa bệnh “diễn”, cần những biện pháp đánh giá khác.

Thực tế, một vài tiết dạy tốt, không phản ánh hết được khả năng của giáo viên. Vì vậy, nên chăng hãy thay cho một vài tiết giảng, cần đánh giá giáo viên qua cả quá trình./.

Giang Nam
(nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất