(TG)-Giá thuốc chữa bệnh ở nước ta hiện nay đang là một vấn đề rất bức xúc và được toàn xã hội quan tâm, vì liên quan tới sức khỏe con người cũng như là niềm trăn trở của nhiều bệnh nhân nhất là với đại bộ phận những người có thu nhập thấp.
Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những trao đổi thẳng thắn với phóng viên về vấn đề giá thuốc tân dược cũng như việc quản lý lĩnh vực này.
- Thưa Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, mới đây, một bệnh viện phải hoãn nhiều ca mổ và ưu tiên những ca cấp cứu vì… thiếu vật tư phục vụ phẫu thuật, mà nguyên nhân là do tổ chức đấu thầu thuốc muộn. Bà có đánh giá gì về vấn đề đấu thầu thuốc nói trên?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Trong quá trình xây dựng Luật đấu thầu chúng tôi đã phát biểu đấu thầu chỉ là một trong các biện pháp để chúng ta mong có được thuốc có chất lượng, giá cả chấp nhận được. Thế nhưng, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều ưu, khuyết điểm.
Cụ thể, nếu đấu thầu riêng rẽ từng bệnh viện thì vấn đề tiêu cực cũng cần được đặt ra, liệu là có sự thông đồng hay không, có tác động hay không? Bên cạnh đó, cần phải có nhiều hội đồng thầu, nhiều bệnh viện cũng dẫn đến tình trạng khó kiểm soát về giá.
Khi đấu thầu tập trung cho từng tỉnh, nếu địa phương đó có số lượng bệnh viện ít thì dễ, nhưng đối với địa phương lớn, ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn thì việc đấu thầu tập trung dẫn đến nhiều khó khăn.
Đó sẽ là một gói thầu khổng lồ và một số lượng bệnh viện với đặc thù điều trị mỗi nơi một khác thì làm sao có thể tìm ra được một mẫu số chung, nhất là khi thị trường thuốc của chúng ta rất phức tạp với gần 30.000 biệt dược đang lưu hành, giá cả, chất lượng cũng đủ loại…
Cho nên, vấn đề ở đây chúng ta phải xác định đấu thầu chỉ là một giải pháp khi chúng ta lành mạnh hóa thị trường, có những thứ tự, lớp, hạng thuốc rõ ràng và chúng ta cũng xác định được nhu cầu của bệnh viện.
Ở đây, ví dụ các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, song song với việc đấu thầu thuốc tập trung, chúng tôi yêu cầu các bệnh viện cùng nhau xây dựng phác đồ điều trị chuẩn để cùng nhau tham khảo, tìm ra những tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất là làm sao phải lành mạnh hóa thị trường thuốc, giảm thiểu các loại thuốc kém chất lượng.
Đối với thuốc rất phức tạp, nó xảy ra 2 khía cạnh cực đoan mà chúng ta đều phải chống lại một cách quyết liệt.
- Cụ thể, hai vấn đề cực đoan nói trên là gì, thưa bà?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Thứ nhất, chúng ta phải mua một viên thuốc với giá cao hơn bản thân giá trị của nó. Điều này có ba nguyên nhân mà tất cả đều xuất phát từ thị trường hỗn loạn. Đó là đối với trường hợp các thuốc độc quyền thì có thể cấu kết với nhau để làm giá.
Ngoài ra, tầng lớp trung gian quá nhiều, một viên thuốc đến với người dùng qua quá nhiều công ty. Và, sau nữa là vấn đề bắt tay giữa bác sĩ với người bán thuốc, công ty… để hoa hồng chiết khấu.
Chúng ta phải làm sao giải quyết 3 vấn đề này thì mới tính đến đến chuyện đấu thầu, đấu giá hay thương lượng giá. Nếu không, người ta sẽ luôn luôn tìm ra kẽ hở trong đấu thầu để lợi dụng.
Tiếp đến là thuốc quá rẻ. Trong đấu thầu chúng tôi cũng gặp trường hợp này. Có những công ty nhập hàng từ đất nước không hề phát triển hơn Việt Nam, chất lượng thuốc thì nếu đưa cho bản thân mình thì không dám uống nhưng lại tham gia bỏ thầu với giá rẻ một cách ngạc nhiên.
Khi trúng thầu, công ty đó sẽ thuê gia công, làm sao có được viên thuốc nhưng thực sự đó có là thuốc hay không, chi phí có tiết kiệm được hay không hay là nó lại kéo theo ngày điều trị tăng và các hệ lụy khác. Đấy là chưa kể khi doanh nghiệp đó trúng thầu sẽ dần giết chết nhưng đơn vị làm ăn đàng hoàng khác.
Cho nên, chúng ta phải làm sao có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý, chứ đắt quá, rẻ quá cũng là tiêu cực. Điều này rất phức tạp và tôi nhấn mạnh lại là đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất mà đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra thêm các giải pháp khác.
Lực lượng QLTT Hà Nội đang tiến hành kiểm tra việc kinh doanh thuốc tân dược trên địa bàn (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Bà nghĩ thế nào về việc trao quyền chủ động hơn cho các bệnh viện?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Cứ nhìn các bệnh viện tư nhân, người ta có đấu thầu không mà cũng có ai phàn nàn khi đến khám chữa tại đây về vấn đề thuốc đâu. Chúng ta đang áp dụng cho bệnh viện tư nhân tự mua thuốc, khi bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán thuốc đó theo giá trúng thầu ở bệnh viện khác. Thế thì tại sao chúng ta không tăng cường quyền chủ động của các bệnh viện?
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ để bệnh viện tự chủ về kinh phí, nếu để họ tự lập thì phải để cho họ chủ động. Tại sao chúng ta không tiến hành trên định suất của bệnh nhân, với số lượng bệnh nhân như vậy thì một năm chúng tôi khoán cho bệnh viện một quỹ bao nhiêu đó để họ mua thuốc. Còn đương nhiên cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm nhiệm vụ đi thanh tra kiểm tra để phát hiện tiêu cực nếu có.
Chúng ta không nên làm trầm trọng hóa vấn đề đấu thầu. Mà điều quan trọng nhất đối với ngành dược là cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho bệnh nhân, còn giá cả như nào thì chúng ta phải kiểm soát tiêu cực từ gốc, không để thuốc kém chất lượng, thuốc giả trà trộn vào thị trường.
- Liệu chúng ta có nên bắt buộc in giá thuốc lên bao bì để tránh trường hợp “hét giá?”
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Ở nhiều nước, người ta đưa giá thuốc lên mạng và nếu thị trường có biến động cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi.
Tôi nghĩ, việc in giá lên hộp thuốc cũng rất hay nhưng khi đặt ra vấn đề này thì ngày trước lại có lo ngại doanh nghiệp kê giá khống lên. Nhưng tôi cho rằng, người ta nâng hay không thì cơ quan quản lý phải kiểm soát chứ đâu phải muốn nâng là nâng.
Vấn đề ở đây là ta cho nhập khẩu, sản xuất quá nhiều dẫn đến kiểm không nổi. Còn ở các nước, một hộp thuốc giá đăng ký như thế, in lên bao bì rồi thì được thanh toán theo giá đó. Còn đương nhiên, khi bán cho bệnh viện với số lượng lớn thì giá sẽ ưu đãi hơn.
- Xin cảm ơn bà!
Vân Khánh