Sáng 7/2, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2018, Thủ tướng đề nghị các tham tán, Thương vụ phải quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp và “phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.”
Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, đông đảo các tham tán Việt Nam tại 57 Thương vụ và 7 chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đông đảo đại diện các doanh nghiệp và ngành hàng.
Nêu lên kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm 2017 đạt 425 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong kết quả tích cực này có sự đóng góp quan trọng của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đến nay Việt Nam đã có trên 21 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD và có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt hàng chục tỷ USD.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang đưa ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch lớn đối với một số mặt hàng chủ lực như gạo, tôm, dược liệu, rau củ quả… Do đó, Chính phủ lắng nghe các đề xuất của tham tán về các chính sách, các mặt hàng, các tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Thủ tướng nhấn mạnh đến “cái khó của chúng ta chính là thị trường” và cho rằng nếu thị trường tốt, chấp nhận hàng Việt Nam, hai bên cùng có lợi thì doanh nghiệp trong nước có thể mở rộng sản xuất nhiều hơn nữa.
Chỉ rõ việc dư thừa hiện nay ở Việt Nam tương đối lớn về năng lực, Thủ tướng đề nghị cần tập trung vào nhiệm vụ tìm thị trường mới, nhu cầu mới để xuất khẩu, coi đây là hướng đi của nền kinh tế, mà trong đó, Thương vụ đóng vai trò quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng các Thương vụ, tham tán, nhất là những Thương vụ góp phần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như tôm, xoài, thanh long, vải, vú sữa, nhãn, thịt gà vào thị trường châu Á và các nước.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nghiêm túc yêu cầu Bộ Công Thương cần thuyên chuyển các tham tán thương mại làm việc không hiệu quả, nhất là những người “lo việc nhà hơn việc nước,” ít am hiểu thị trường.
Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội đất nước hiện nay, ngoại giao kinh tế là khâu cần được chú trọng, do đó, vai trò của Thương vụ là rất quan trọng trong cơ cấu, thành phần các đdại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Đề cập đến mục tiêu đạt kim ngạch thương mại của Việt Nam lên 500 tỷ USD, Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại làm hết sức mình góp phần vào việc thực hiện mục tiêu này.
“Chính phủ liêm chính phục vụ, hành động, Thương vụ cũng phải phục vụ sự phát triển, phục vụ doanh nghiệp phát triển,” Thủ tướng nói và đề nghị các Tham tán thương mại, Thương vụ phải thực hiện phương châm 10 chữ: Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả bằng những việc làm cụ thể.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Thương vụ và Tham tán quyết tâm hành động mạnh mẽ, không ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp đỡ mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó là nhạy bén, kịp thời cung cấp các thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường nước sở tại cho doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở các địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước sở tại; kết hợp với bộ, ngành nước sở tại để giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các tham tán Việt Nam ở nước ngoài cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là thước đo hiệu quả làm việc của mình.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang xóa bỏ các khoảng cách và xuất hiện nhiều hướng kinh doanh mới, Thủ tướng lưu ý khái niệm thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng, là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước, như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa dịch vụ của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại hội nghị, trong hai năm 2016-2017, các Thương vụ đã tổ chức hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về xuất nhập khẩu, kết nối giao thương…
Công tác xúc tiến thương mại của các Thương vụ đổi mới theo hướng tập trung vào một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm các hoạt động xúc tiến thương mại chung chung.
Các Thương vụ cũng đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp mà nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam áp dụng.
Cụ thể các Thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước./.
Theo TTXVN