Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến ngày
20/3, dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông chính ở khu vực Trung
Bộ và Tây Nguyên vẫn ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm
từ 12-91%.
Chính vì vậy, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trong khu vực đều
rất thấp và không đảm bảo mực nước theo quy định của Quy trình vận hành
liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều nhà máy thủy điện đang phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản
xuất theo lịch vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia
nhằm đảm bảo tích nước cho phát điện, cũng như đáp ứng nguồn nước cho
sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạ du trong mùa khô
của năm nay.
Dừng phát điện để tích nước
Với hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu xảy ra từ năm 2015 và kéo dài
đến tháng Sáu, đây là đợt khô hạn kỷ lục vì thời gian kéo dài và cường
độ lớn gây tác động tiêu cực đến tình hình thời tiết và thiếu nước trong
khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trong khi đó, nước tại các sông suối trên địa bàn đều thiếu, các hồ thủy điện trong khu vực đều không tích được nước.
Vì vậy, việc tích nước các hồ chứa thủy điện trong mùa khô này vừa đảm
bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt nhân dân vùng hạ du nơi có công
trình, vừa đáp ứng được an ninh năng lượng quốc gia.
A Vương là công trình thủy điện lớn nhất trong hệ thống thủy điện bậc
thang sông Vu Gia-Thu Bồn được xây dựng ở vùng đặc biệt sâu, xa của tỉnh
Quảng Nam và cũng là vùng khó khăn nhất của cả nước.
Tính đến đầu năm nay, hồ chứa thủy điện A Vương chỉ tích được đến mức
361,6m, thiếu 18,4m so với mực nước dâng bình thường, tương với thiếu
hụt sản lượng điện là 109 triệu kWh.
Kể từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, đây là năm khô hạn nhất về
lưu lượng nước về. Do vậy, từ ngày 8/12/2015 đến nay, Trung tâm Điều độ
hệ thống điện Quốc gia đã tạm thời tách Nhà máy thủy điện A Vương ra
khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A
Vương, do mực nước hồ chứa thủy điện A Vương ở mức thấp và không đảm bảo
mực nước quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông
Vu Gia-Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành kèm theo Quyết
định 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015, nên trong thời gian này Nhà máy thủy
điện A Vương không phát điện mà chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa để
đối phó với tình hình hạn hán diễn ra trong năm 2016 theo sự điều hành
của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Đây cũng là thời điểm để các hồ thủy điện khác trong khu vực chạy ở mức
độ vừa phải nhằm đảm bảo nước cho sản xuất vụ Đông Xuân đến thời điểm
hiện nay.
Mặc dù tập trung tích nước trong một thời gian dài nhưng đến ngày 1/3
vừa qua, mức nước hồ A Vương vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 đến
5,83m, thấp hơn mức nước tối thiểu của Quy trình 1537 là 4,06m.
Hồ chứa chỉ tích được 182,8 triệu m3 dung tích hữu ích, đạt 68,6% so với
dung tích hữu ích của cả hồ chứa và còn thiếu 83,68 triệu m3 so với mực
nước dâng bình thường.
Đến ngày 11/3, mực nước hồ vẫn thiếu hụt 2,5m, chưa đạt mực nước quy
định tại Quy trình thì Nhà máy thủy điện A Vương tiếp tục dừng vận hành
tiếp 10 ngày nữa.
Ông Lê Đình Bản cho biết hiện nay, lưu lượng nước về hồ A Vương từ
8-10m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-40% nên theo tính toán của
nhà máy phải đến 21/3 mực nước tại hồ mới đạt được Quy trình 1537 là
372,7m.
Tỉnh Đắk Đắk có 23 dự án thủy điện được xây dựng với tổng công suất
970MW. Trong 8 hồ thuộc bậc thang Srêpôk, hồ đầu nguồn Buôn Tua Srah là
hồ lớn nhất với dung tích hữu ích là 522,6 triệu m3 và cũng là hồ duy
nhất trên bậc thang có chế độ điều tiết năm. Còn lại các hồ khác là điều
tiết ngày.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp được giao quản lý 3 nhà máy trên bậc thang sông Srêpốk gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3.
Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó giám đốc Công ty, cho biết năm nay, do bị ảnh
hưởng của hiện tượng El-Nino, lưu lượng nước về các hồ trong các tháng
đầu năm 2016 đều đạt rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái và xấp xỉ 50%
trung bình nhiều năm.
Từ giữa tháng 9/2015, mực nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah đạt gần mực nước chết là 465m.
Với tình hình trên, sau khi khảo sát tình hình sử dụng nước vùng hạ du,
nhằm tích nước phục vụ mùa kiệt tiếp theo, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp
đã chủ động đề xuất với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia giảm
khai thác hồ chứa để tích nước phục vụ mùa kiệt 2016.
Nhờ vậy, đến hết ngày 31/12/2015, hồ Buôn Tua Srah đạt 486,365m so với
mực nước dâng bình thường là 487,5m; dung tích hữu ích đạt 92,6% so với
dung tích bình thường. Với dung tích này, hồ Buôn Tua Srah có khả năng
cung cấp nước trong suốt mùa kiệt năm 2016.
Tuy nhiên, từ tháng 1/2016, lưu lượng về các hồ chứa giảm mạnh. Đến ngày
6/3, lưu lượng nước về các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3
trung bình lần lượt là 18,8m3/s; 48,3m3/s và 70,3m3/s nhưng lưu lượng xả
trung bình tương ứng là 52m3/s; 52m3/s và 66,4m3/s.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp tính toán, nếu khai thác hồ Buôn Tua Srah
50m3/s/ngày theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu
vực sông Srêpôk, trường hợp lưu lượng về 20m3/s thì hồ sẽ duy trì được
khoảng 4 tháng, nếu lưu lượng về 15m3/s thì hồ suy trì được khoảng 3,5
tháng còn nếu lưu lượng về 10m3/s thì hồ sẽ duy trì khoảng 3 tháng.
Hồ Sông Ba cũng là một ví dụ điển hình. Ông Đặng Văn Tuần Tổng giám đốc
Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, trước thực trạng thời
tiết hạn hán, từ ngày 15/11 đến 15/12/2015 Công ty đã chủ động tập trung
tích nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, do lưu lượng nước về hồ chỉ bằng khoảng 35-40% so với trung
bình nhiều năm nên đến cuối tháng 12/2015 mực nước hồ chỉ đạt 102,65m.
Và dự kiến lưu lượng trung bình về hồ trong thời gian tới cũng chỉ
khoảng từ 15-25m3/s.
Đối với các hồ thủy điện khác trong khu vực cũng không khá gì hơn. Lượng
nước về không đủ để 3 NMTĐ là Ialy, Sê San 3 và Pleikrông chạy máy và
tích đầy các hồ chứa vào cuối năm 2015.
Lưu lượng nước xả về hạ lưu nhà máy Ialy trong hai tháng đầu năm nay
tương ứng với giá trị 118m3/s, 122m3/s , thấp hơn nhiều so với lưu lượng
phải xả về hạ lưu quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu
vực sông Sê San là 165m3/s.
Dự báo hiện tượng El Nino còn kéo dài hết mùa khô năm 2016 nên lưu lượng
trung bình trên lưu vực hồ Ialy 6 tháng mùa khô chỉ khoảng 62m3/s, tần
suất 95%.
Theo ông Nguyễn Đăng Hà, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê
San, ngay từ đầu mùa kiệt năm 2016, mực nước các hồ chứa nước trên lưu
vực sông Sê San đều thấp hơn mực nước theo yêu cầu của Quy trình vận
hành liên hồ chứa trên lưu vự c sông Sê San; trong đó hồ thủy điện Sê
San 4 tích nước đến cao trình 210,78m, thấp hơn yêu cầu của Quy trình là
3,72m; hồ thủy điện Pleikrông tích nước đến cao trình 565,70m, thấp hơn
3m so với yêu cầu của Quy trình và h ồ thủy điện Ialy tích nước đến cao
trình 508,9m, thấp yêu cầu của Quy trình là hơn 3,3m.
Như vậy, tổng lượng nước bị thiếu hụt của các hồ trên so với yêu cầu của
Quy trình là 492,3 triệu m3, thiếu khoảng 28% dung tích yêu cầu phải dự
trữ cho mùa kiệt./.
Mai Phương (TTXVN)