Thứ Bảy, 21/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 28/7/2013 9:59'(GMT+7)

“Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng tránh viêm gan B hữu hiệu nhất”

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng

Virus viêm gan nói chung trong  đó có virus viêm gan B  (HBV) được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, đang hiện diện trong khoảng hai tỷ người, mỗi năm gây tử vong cho hơn một triệu người trên toàn thế giới. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã họp và quyết định lấy ngày 28-7 là ngày phòng chống viêm gan thế giới. Việt Nam có tỷ lệ khoảng  20% dân số nhiễm virus viêm gan B, một tỷ lệ cao trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương.


Phóng viên Tạp chí đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương xung quanh vấn đề nhiễm virus viêm gan B (HBV) và bệnh viêm gan B. 

 

PV:  Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, Việt Nam là một trong 9 quốc gia thuộc khu vực châu Á, Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với dịch viêm gan do virus, đặc biệt là viêm gan B.  Thưa GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, ông có suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng:  Đúng thế, viêm gan do virus là những bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân sinh ra các bệnh này là các loại virus viêm gan. Trong đó, người ta thường nhắc đến virus viêm gan B ( HBV) gây ra bệnh viêm gan B và virus viêm gan C (HCV) gây ra bệnh viêm gan C. Ở đây, chúng ta nói đến HBV và viêm gan B, bởi tỉ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng dân cư ở nước ta rất cao. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam châu  Á nhiễm virus viêm gan B với một tỷ lệ cao. Theo các số liệu đã công bố, tỷ lệ phát hiện dấu hiệu của HBV là HBsAg ở người Việt Nam lên tới khoảng  20%, cứ 5 người Việt Nam thì 1 người có dấu ấn  HBsAg. Đây là một tỉ lệ cao và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi bị nhiễm HBV, nếu có các yếu tố nguy cơ như sự suy giảm về miễn dịch, ngộ độc hại đến gan… thì bệnh viêm gan B sẽ xuất hiện và căn bệnh này có nguy cơ dẫn tới  xơ gan và ung thư gan. Tỷ lệ ung thư gan nguyên phát ở Việt Nam cao cũng chính là nguyên nhân nhiễm HBV và viêm gan B ở Việt Nam cao.


Vào những năm 1960,  Nhật Bản cũng có tỷ lệ nhiễm HBV cao như ở Việt Nam. Người Nhật đã có chiến lược để hạ thấp tỷ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng. Việt Nam cũng cần phải hạ thấp tỷ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng vì đây là một trong những vấn đề quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ giống nòi .

PV: Như GS đã nhận định, việc hạ thấp tỷ lệ nhiễm  virus gây viêm gan  B là một trong những chiến lược quan trọng để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ nòi giống. Để thực hiện chiến lược này hiệu quả, cần lưu ý những vấn đề gì, thưa GS?

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Tôi cho rằng công tác giáo dục, tuyên truyền về sức khoẻ về nhiễm virus viêm gan B (HBV) và bệnh viêm gan B là hết sức quan trọng. Cần tuyên truyền, giáo dục về sự nguy hiểm của nhiễm HBV và bệnh viêm gan B, con đường lây nhiễm HBV và cách phòng tránh việc lây nhiễm. Ba vấn đề này phải song hành với nhau.

Về sự nguy hiểm của nhiễm virus viêm gan B và bệnh viêm gan B như tôi đã nói ở trên, HBV sẽ phá vỡ các tế bào gan gây ra bệnh viêm gan B. Bệnh tiến triển cấp tính làm suy gan cấp dẫn đến tử vong. Nếu được điều trị, bệnh cũng không khỏi hẳn dẫn đến viêm gan mãn tính và lâu dài dẫn tới xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Đây là những bệnh chúng ta chưa chữa được.

Về con đường lây nhiễm  virus  viêm gan B, trước hết là lây nhiễm qua đường máu. Sự tiếp xúc máu của những người chưa nhiễm với máu của người nhiễm HBV sẽ gây ra sự lây lan nhiễm HBV cho người chưa nhiễm.

Tiếp xúc máu trực tiếp khi nào? Đó là khi truyền máu của người đã nhiễm sang người chưa nhiễm, nếu việc sàng lọc máu trong truyền máu không tốt, dùng bơm kim tiêm chung khi tiêm chích ma túy, việc sử dụng lại các dụng cụ y khoa không được tiệt trùng chu đáo (dụng cụ nha khoa, phẫu thuật, bơm kim tiêm).  Đây là con đường lây lan phổ biến nhất.

Ví dụ, khi truyền máu mà không sàng lọc máu, để sót lại máu của người nhiễm viêm gan B, đem truyền cho những người chưa nhiễm thì họ sẽ bị nhiễm. Như chúng ta đã biết tỷ lệ mang dấu ấn viêm gan B ở nước ta là rất cao, nên công tác sàng lọc trong  truyền máu rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta đã phát động phong trào hiến máu tự nguyện, việc sàng lọc máu cũng được thực hiện tốt hơn. Vì vậy, cũng cần tuyên truyền sâu rộng về phong trào hiến máu tình nguyện trong nhân dân và việc chủ động rà soát các người nhiễm HBV. 

Cũng cần lưu ý, không nhất thiết phải chảy máu ra mới bị lây nhiễm HBV. Đôi khi chỉ cần dùng bơm kim tiêm chung cũng dễ dẫn tới bị lây nhiễm. Hoặc các thiết bị y tế nếu không được vô trùng, tiệt trùng cẩn thận cũng gây lây nhiễm HBV.

Bên cạnh đó, HBV có thể lây nhiễm qua con đường tình dục. Bởi thế, cần có các biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục, nhất là quan hệ tình dục với các đối tượng mà không biết rõ về vấn đề sức khỏe, bệnh tật.

Như vậy, có 2 con đường chính lây HBV là qua đường máu và quan hệ tình dục. Cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền cả hai vấn đề trên nhất là trong giới vị thành niên và thanh niên. 

Về phòng tránh nhiễm HBV và bệnh viêm gan B, tiêm phòng vắc xinlà biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất. Y học đã có những tiến trong việc chuẩn bị vắc xin viêm gan B. Trước đây người ta lấy máu của những người viêm gan B, chiết tách ra thành phần của HBV rồi làm mất đi hoạt tính gây bệnh và sử dụng làm vắc xin. Hiện nay, đã có vắc xin hiện đại sản xuất bằng công nghệ di truyền tái tổ hợp nên độ an toàn, độ tinh khiết của vắc xin ngày càng cao hơn.

Chiến lược tiêm phòng vắc xin trong viêm gan B là một chiến lược quan trọng. Thông qua chiến lược này, người Nhật Bản đã hạ thấp tỷ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng, từ tỉ lệ nhiễm HBV cao như Việt Nam, đã giảm còn khoảng 0,1%.

PV: Vậy thưa GS, để đẩy lùi được nhiễm HBV và bệnh viêm gan B, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như thế nào trong thời gian tới?

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Để giảm tỷ lệ nhiễm HBV và viêm gan B ở Việt Nam, cần  có một tiếng nói đồng thuận, sự quyết tâm nỗ lực, từ cấp quản lý đến các tầng lớp nhân dân chung tay đẩy lùi bệnh tật nói chung và viêm gan B nói riêng.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng, cần tăng cường giáo dục, truyền thông để mọi cấp, mọi ngành vào cuộc biết được tác hại nguy hiểm của nhiễm HBV và viêm gan B, con đường lây truyền và cách phòng tránh.  Phát triển phong trào hiến máu tình nguyện, khuyến khích việc không dùng bơm kim tiêm chung trong những người nghiện chích heroin...

Thứ hai, cần tăng cường trang thiết bị đầy đủ, các phương tiện kỹ thuật tiên tiến để phục vụ quy định an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu. Thực hiện các biện pháp phòng chống lây truyền HBV từ mẹ sang con.  Xây dựng chương trình phát hiện người bị nhiễm HBV trong cả nước, đặc biệt ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vô trùng và tiệt trùng trong y tế.

Thứ ba, tiếp tục khuyến khích các đơn vị, các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị cho những người nhiễm HBV hoặc đã mắc bệnh viêm gan B. Các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh có hiệu lực và độ an toàn cao. 

Thứ tư, mở rộng tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho tất cả các trẻ sơ sinh (trừ trường hợp không có chỉ định). Những người dưới 18 tuổi cũng tiêm vắc xin nếu chưa tiêm, nhất là những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Đây là phương pháp dự phòng có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm HBV, từ đó tiến đến mục tiêu giảm xơ gan và ung thư gan.

Thứ năm, mỗi người dân tự ý thức, đảm bảo cuộc sống lành mạnh,  hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá   tích cực rèn luyện sức khỏe để chống lại căn bệnh này. Có nhiều người nhiễm HBV nhưng chưa chuyển sang bị viêm gan B. Vì vậy cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ để tạo cơ hội cho HBV gây ra tổn hại tế bào gan và viêm gan B.

Nếu có sự đồng thuận, đồng tâm một lòng “đánh gục viêm gan virus, đặc biệt viêm gan B,  đừng để quá muộn” theo đúng tinh thần của Tổ chức Y tế thế giới, chắc chắn, căn bệnh nguy hiểm này sẽ bị đẩy lùi, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm tương lai nòi giống vì một xã hội khỏe mạnh, phồn vinh. Cũng xin nói thêm: viêm gan do virus, ngoài viêm gan B còn có loại viêm gan C do virus viêm gan C ( HCV) cũng rất nguy hiểm vì nó có khả năng gây ung thư gan cao hơn HBV, tuy tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng không cao như nhiễm HBV. Đây cũng là một chuyên đề rất đang quan tâm trong chủ đề viêm gan do virus. 

PV: Xin trân trọng cám ơn GS!

“Chứng minh khoa học cho thấy virus viêm gan có thể gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây lan không có giới hạn, trong đó nguy hiểm nhất là virus viêm gan B và virus viêm gan C. Số người bị xơ gan ở Việt Nam do virus viêm gan B và virus viêm gan C chiếm tới 80%. Số người chết hàng năm lên đến hơn 100 nghìn trường hợp, do biến chứng xơ gan gia đoạn nặng hoặc ung thư gan.

Thực tế hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội do căn bệnh này đem lại. Mỗi người bệnh viêm gan virus B phải chi phí điều trị từ 2,5 triệu đồng – 3,5 triệu đồng một tháng. Điều trị viêm gan virus C mỗi người trong một năm hết khoảng 60 triệu – 200 triệu đồng. Trong một năm, chi phí điều trị bệnh từ hai loại virus viêm gan đó lên đến hơn 660 nghìn tỷ đồng. Chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định Việt Nam là một trong chín quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương có bệnh viêm gan virus ngày càng tăng.”

 

Thu Hằng – Duy Phong (Thực hiện)

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất