Tình hình ngộ độc thực phẩm cấp tính diễn biến phức
tạp ở cả bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, thức ăn đường phố, bếp
ăn gia đình trên phạm vi cả nước.
Nguyên nhân
chính là do sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm từ nguyên liệu, trong quá
trình chế biến, bảo quản thực phẩm, sử dụng thực phẩm có độc như
nấm độc, cóc, cá nóc, rượu có hàm lượng methanol cao…
Ngoài ra
còn do người dân có thói quen ăn uống không bảo đảm vệ sinh như ăn tiết
canh, ăn tái, ăn gỏi, ăn sống.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm,
phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm có hiệu quả, Bộ
Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân
dân các cấp, các cơ quan chức năng thuộc quyền quản lý tập trung tăng
cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền
về kiến thức an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an
toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh
thực phẩm.
Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân
thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không ăn tiết canh, ăn sống,
ăn gỏi, ăn tái, không sử dụng cá nóc và những thực phẩm không biết
rõ, thực phẩm nghi ngờ có độc không chế biến thức ăn (các loại lá,
quả, nấm tự nhiên, cóc…).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm
cho các đối tượng nguy cơ cao trong địa bàn quản lý; tăng cường kiểm soát an
toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt các
địa phương cần tập trung vào cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du
lịch, lễ hội, bữa ăn tập trung đông người; triển khai đồng bộ các biện pháp
phòng chống ngộ độc thực phẩm, quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối
với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đồng thời, tăng
cường thanh tra, kiểm tra liên ngành để đảm bảo an toàn đối với các cơ sở
sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn
ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh nước giải
khát, kem, bia, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, các địa
phương cần phát hiện sớm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy
định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống theo quy
định của pháp luật. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm cần công khai trên phương
tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Các địa phương cũng
cần chỉ đạo ngành y tế xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang
thiết bị chuyên môn, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, đảm bảo giảm
thiểu tối đa tỷ lệ tử vong nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn
quản lý./.
Theo TTXVN