Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm 12-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 52-55 xã.
Ông Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, để đạt được kết quả trên, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện, theo dõi đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng chất lượng các tiêu chí và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh triển khai một số mô hình sản xuất theo hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm…, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trong năm 2017, Tiền Giang đã công nhận thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh là 40 xã, chiếm 27,8% tổng số xã. Bộ mặt nông thôn trong tỉnh có nhiều thay đổi tích cực như: gần 100% hộ có điện sử dụng; có 87 xã, phường văn hóa và 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,37%; trên 98% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông được xây dựng và phát triển rộng khắp trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2017, tỉnh có 196 trường đạt chuẩn quốc gia, 137/144 xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo; đây cũng là một trong những tiêu chí có số địa phương đạt chuẩn nhiều nhất./.
Nam Thái/TTXVN