Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 8/10/2017 9:0'(GMT+7)

Tiền lệ nguy hiểm

Ông Carles Puigdemont, lãnh đạo vùng tự trị Catalonia. (Ảnh: ACN)

Ông Carles Puigdemont, lãnh đạo vùng tự trị Catalonia. (Ảnh: ACN)

Nếu sự việc diễn ra đúng như lời ông Puigdemont thì đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm và có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định cho không chỉ "xứ sở bò tót" mà rộng hơn là cả châu Âu và thế giới.

Mâu thuẫn giữa chính quyền khu vực tự trị Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha nảy sinh sau khi Catalonia công bố kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập cho vùng lãnh thổ này. Hôm 1/10, bất chấp sự phản đối kịch liệt bằng cả lời nói và hành động của Chính phủ Tây Ban Nha cùng Tòa án Hiến pháp, Catalonia vẫn tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Chính quyền Madrid đã gọi hành động này là vi hiến, đồng thời kêu gọi người dân tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Chỉ ba ngày sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi trên, Thống đốc Carles Puigdemont lại tiếp tục cuộc đối đầu với chính quyền Trung ương với tuyên bố rằng, chính quyền Catalonia sẽ “hành động vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau”. Điều đó có nghĩa là, dù kết quả trưng cầu ý dân cuối cùng như thế nào đi chăng nữa thì Catalonia vẫn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập.

Những diễn biến leo thang xung quanh vấn đề Catalonia đang được xem là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 1981, đồng thời trở thành thách thức lớn đối với Tây Ban Nha kể từ khi quốc gia này thiết lập lại chế độ quân chủ lập hiến năm 1975. Mặc dù được hưởng quyền tự trị rộng rãi, song kể từ những năm đầu thế kỷ 21, chính quyền Catalonia liên tục đệ trình yêu sách đòi độc lập. Năm 2006, vùng này đã tự tuyên bố là “một quốc gia”, song bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-hay còn gọi là Brexit-hồi tháng 6 năm ngoái như một chất xúc tác khiến Catalonia quyết thực hiện ý đồ độc lập của mình, bất chấp khả năng người Catalonia sẽ mất đi quyền mang quốc tịch Tây Ban Nha.

Trong Hiến pháp năm 1978 khẳng định rằng, Tây Ban Nha không thể bị chia rẽ. Do vậy, dù kết quả thế nào đi chăng nữa, cuộc trưng cầu dân ý của Catalonia ngày 1/10 cũng không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề Catalonia nếu không được giải quyết triệt để chắc chắn sẽ đe dọa đến sự thống nhất ở "xứ sở bò tót". Là quốc gia rộng lớn nhất tại Nam Âu và đứng thứ hai tại Tây Âu với diện tích hơn 504.000km2, Tây Ban Nha được chia làm 17 vùng, trong đó hai vùng tự trị là Basque và Catalonia. Quốc gia Nam Âu này sẽ khó giữ được toàn vẹn lãnh thổ một khi Catalonia tuyên bố độc lập mà không kéo theo vùng Galicia hay quần đảo Balearic-những vùng luôn khao khát có thêm chủ quyền. Đặc biệt, nó sẽ khiến cuộc đàm phán giữa Madrid và xứ Basque trở nên khó khăn hơn.

Ngoài chủ quyền lãnh thổ, kinh tế cũng là vấn đề mà chính quyền Madrid hết sức quan ngại. Bởi lẽ, vùng tự trị Catalonia đóng góp tới 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài. Những bất ổn ở Catalonia chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Tây Ban Nha.

Không chỉ là câu chuyện riêng của “xứ sở bò tót”, Catalonia đòi độc lập còn là “quả bom hẹn giờ” đối với phong trào ly khai ở châu Âu. Ẩn sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, hướng tới nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai luôn chực chờ bùng phát. Chỉ cần một “đốm lửa”, nó có thể tạo thành hiệu ứng domino. Đó có thể là Scotland của Vương quốc Liên hiệp Anh, là đảo Corse của Pháp, hay vùng Flander nói tiếng Hà Lan của Bỉ, quần đảo Faroe của Đan Mạch. Thậm chí, Liên đoàn phương Bắc của Italy cũng bày tỏ muốn tổ chức trưng cầu ý kiến về quyền tự trị lớn hơn vào ngày 22/10 tới… Sau những “cơn bão” từ cuộc khủng hoảng di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, “con thuyền” châu Âu giờ đây lại tròng trành trước “mầm mống” ly khai rộng khắp châu lục.

Bên ngoài biên giới châu Âu, cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vừa được tổ chức tại Khu tự trị người Kurd ở Iraq cũng đang đe dọa sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này, gây ra sự chia rẽ, mất ổn định và làm cho tình hình tại khu vực Trung Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, hỗn loạn kéo dài.

EU không muốn như Trung Đông, cũng như không muốn có sự bất ổn chính trị tại các quốc gia thành viên, nhất là một thành viên lớn như Tây Ban Nha. Do đó, những phong trào ly khai, đòi độc lập như ở vùng Catalonia chắc chắn sẽ không được EU hoan nghênh. Biện pháp hợp lý nhất ở thời điểm này có lẽ là thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Madrid và vùng Catalonia dựa trên các nguyên tắc và quy định của pháp luật và nền dân chủ, một lối thoát hợp lý nhất giải quyết cuộc khủng hoảng ly khai ở Tây Ban Nha cũng như của chính châu Âu./.

Linh Oanh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất