Theo “Báo cáo cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hướng tới việc làm tốt hơn
và thịnh vượng chung,” mức lương tối thiểu của Việt Nam mặc dù cao hơn
so với Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm có mức lương tối
thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong
bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 25/11.
Tại hội thảo, ông Malte Luebke - Chuyên gia cao cấp về tiền lương của
Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, không chỉ có mức
lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu
đồng/tháng (181 USD) cũng chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD)
và vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines
(206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547
USD).
Ông Malte Luebke nhấn mạnh, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc
gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương
diện trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ
mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng
cao kỹ năng của lực lượng lao động là những yếu tố tạo ra nên tảng cho
hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá
trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn.
|
Theo báo cáo của ILO, Việt Nam chỉ có khoảng 1/3 số lao động có việc làm
là được hưởng lương. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới
là khoảng 50%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của ILO dự báo, trong
thập kỷ tới, tỷ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam sẽ tăng nhanh
và thu hẹp khoảng cách với thế giới. Nếu như năm 1996, tỷ lệ lao động
làm công ăn lương ở Việt Nam chỉ là 16,85% thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã
lên tới 34,8%.
Báo cáo của ILO về tiền lương tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ngành nông
nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm
công ăn lương của ngành này chỉ chiếm 10% trong tổng số lao động làm
công ăn lương của Việt Nam.
Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức
chưa đến 10%, nhưng riêng đối với ngành nông nghiệp-ngành có mức lương
rất thấp thì tỷ lệ chênh lệch cao nhất trong các ngành, lên tới 32%. Tuy
nhiên, ở hai ngành được trả lương bình quân cao nhất thì lao động nữ
lại được trả lương cao hơn nam giới một chút.
Các chuyên gia về lao động, tiền lương nhận định, trong bối cảnh hội
nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách
điều chỉnh tiền lương của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự cân
bằng. Việc điều chỉnh tiền lương phải đảm bảo vừa thúc đẩy sự phát
triển của doanh nghiệp vừa giúp người lao động hưởng thành quả công bằng
từ tăng trưởng năng suất lao động./.
Theo điều tra lực lượng lao động năm 2013,
lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản cũng thuộc nhóm lao động có
mức lương bình quân hàng tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng). Lao động
trong ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ, kinh doanh bất
động sản và ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là hai ngành có mức
lương bình quân cao nhất khoảng 6,4-7,2 triệu đồng/tháng. |
Hồng Kiều (Vietnam+)