Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 ngành bảo hiểm xã hội, được tổ chức ngày 7/2, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý ngành tăng cường các biện pháp để phát triển nhanh đối tượng tham gia, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
Đánh giá cao những thành tích ngành bảo hiểm xã hội đã đạt được trong năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ với những khó khăn của toàn ngành trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng là chính sách lớn, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giúp cho người dân giảm gánh nặng tuổi già, khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp, đảm bảo sức khỏe và đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy an toàn xã hội. Do vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành nghiên cứu, có những giải pháp thiết thực, tích cực, hiệu quả để khắc phục những hạn chế thời gian qua, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012. Ngành cần chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả, hiệu lực trong công tác chỉ đạo điều hành; tham gia cùng các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngành giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người thụ hưởng; thực hiện thu đủ, thu đúng, hạn chế tình trạng nợ đọng, thực hiện đúng pháp luật về bảo hiểm; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chế độ, quyền lợi cho người thụ hưởng được tốt hơn.
Năm 2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động, chủ sử dụng lao động và nhân dân hiểu rõ chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tự giác tham gia.
Ngành cũng chú trọng hơn đến công tác kiểm tra nội bộ và phối hợp thanh tra liên ngành việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khởi kiện các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian kéo dài; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ thu nợ.
Tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 135,3 nghìn tỷ đồng, tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 120,48 nghìn tỷ đồng là mục tiêu toàn ngành phấn đấu đạt được trong năm 2012. Trong số đó, thu quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là trên 76.000 tỷ đồng, thu quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện 250 tỷ đồng, thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần 6.800 tỷ đồng, thu quỹ bảo hiểm y tế trên 37.000 tỷ đồng.
Năm 2011, có 57,13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng 8,84% so với năm 2010, đưa số thu của toàn ngành đạt gần 97.000 tỷ đồng, đạt 103,75% kế hoạch được giao, tăng 20,3% so với năm 2010.
Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động kịp thời, đầy đủ. Quỹ bảo hiểm xã hội được bảo toàn và sử dụng đúng mục đích, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo chi khám chữa bệnh cho hơn 100 triệu lượt người, giúp họ thoát khỏi gánh nặng về tài chính khi ốm đau, bệnh tật để ổn định cuộc sống. Quỹ bảo hiểm y tế tiếp tục cân đối và có dự phòng.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, nợ đóng, tham gia không đầy đủ hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội xảy ra ở hầu hết các địa phương, nhưng Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.
Tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2011 là 3.922,8 tỷ đồng, chiếm 4,2% so với số phải thu, tăng 33,84% so với số nợ năm 2010./.
Chu Thanh Vân