Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 24/12/2015 21:1'(GMT+7)

Tiến trình hòa bình Trung Đông lại "trật bánh" trong năm 2015

Binh sỹ Israel phong tỏa tại hiện trường vụ tấn công của người Palestine ở Beit Omar, gần Hebron ngày 27/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Israel phong tỏa tại hiện trường vụ tấn công của người Palestine ở Beit Omar, gần Hebron ngày 27/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Israel duy trì quan điểm cứng rắn và tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng, việc nhiều nước nói chưa đi đôi với làm, cộng thêm làn sóng bạo lực leo thang nghiêm trọng, tất cả đã đẩy tiến trình hòa bình vốn đã rất gian truân một lần nữa lâm vào thế bế tắc, thậm chí làm dấy lên lo ngại nguy cơ tái diễn một cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ ba chống lại Israel.

Các nỗ lực không ngừng nghỉ để được công nhận Nhà nước của người Palestine đã đạt thành quả mới trong năm 2015, khi Palestine trở thành thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) từ ngày 1/4. Tiếp đó, ngày 30/9 đánh một dấu mốc lớn nữa khi Palestine được thượng cờ tại trụ sở Liên hợp quốc với tư cách nhà nước quan sát viên. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân Palestine sau gần 7 thập kỷ đấu tranh để được công nhận là Nhà nước độc lập bên cạnh Israel.

Cách đây 68 năm, ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 181 về giải pháp hai nhà nước để giải quyết cuộc tranh chấp Israel-Palestine, theo đó phân chia các vùng đất tranh chấp thành hai quốc gia của người Do Thái và người Palestine.

Vài tháng sau đó, công pháp quốc tế đã cho phép Tel Aviv tuyên bố thành lập Nhà nước của người Do Thái và dành cho Israel tư cách một quốc gia, với quyền thành viên đầy đủ tại các tổ chức quốc tế, mà đứng đầu là Liên hợp quốc. Nhưng suốt từ đó tới nay, người Palestine vẫn phải tìm kiếm Nhà nước của mình.

Mặc dù lá cờ của Palestine đã được kéo lên ở Liên hợp quốc, song hy vọng thành lập Nhà nước trên thực tế đang trở nên khó khăn hơn. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng con đường duy nhất để Palestine được công nhận Nhà nước độc lập là thông qua đàm phán với Israel.

Trong khi đó, hai bên tiếp tục không tìm được tiếng nói chung trong các tranh cãi mấu chốt, đặc biệt là vấn đề biên giới lãnh thổ và các khu định cư. Chính quyền Tel Aviv liên tiếp triển khai kế hoạch xây dựng các khu định cư mới của người Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng, đồng nghĩa với việc phớt lờ điều kiện tiên quyết mà chính quyền Palestine đưa ra để nối lại hòa đàm.

Sự thất vọng đã làm gia tăng làn sóng bạo lực và phản kháng của người dân Palestine. Căng thẳng bùng phát từ tháng Chín, khi người Palestine phản đối các nhóm người Do Thái tới cầu nguyện tại ngôi đền Al-Aqsa linh thiêng ở thành phố Jerusalem, còn gọi là Núi Đền, vốn là địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo.

Sự giận dữ của người Palestine đã chuyển thành các vụ tấn công bằng dao hay bom tự chế nhằm vào người Israel, và đáp lại là các biện pháp quân sự mạnh từ phía Tel Aviv.

Trước sức ép lớn từ phe cứng rắn trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Netanyahu, người vốn được mệnh danh là “Ngài An ninh,” đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, từ trấn áp, bắt giữ hành chính, phong tỏa các “điểm nóng," đến cấm người lao động Arab tới các trường học, thậm chí cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật để trấn áp, hay triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại các thành phố miền Nam và cho xây dựng một bức tường an ninh dài 300 mét tại Đông Jerusalem để bảo vệ người Do Thái.


Binh sỹ Israel tại hiện trường một vụ tấn công của người Palestine nhằm vào người đi đường Israel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, bất chấp sự huy động lực lượng hùng hậu của Israel, các cuộc biểu tình và phản đối của người Arab và Palestine gia tăng mạnh hơn, khiến giới chức ở Tel Aviv lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc nổi dậy (Intifada) chống lại sự chiếm đóng của Israel tại khu Bờ Tây và Dải Gaza. Chỉ trong hơn hai tháng xung đột, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu là người Palestine.

Dù rằng vẫn còn quá sớm để cho rằng một "Intifada thứ ba" đang bắt đầu, vì quy mô và tính chất cuộc xung đột hiện nay chưa thể so sánh với hai cuộc nổi dậy Intifada vào năm 1980 và 2000, nhưng các chuyên gia cảnh báo chỉ cần xuất hiện thêm một vài diễn biến kịch tính, căng thẳng, tiến trình hòa bình Trung Đông có thể sụp đổ hoàn toàn, khiến giải pháp hai nhà nước càng trở nên xa vời.

Điệu tango không thể thiếu đối tác. Một mình Palestine cố gắng sẽ không thể đạt tới hòa bình trong khu vực mà cần cả thiện chí và các hành động thiết thực từ phía Israel. Bên cạnh đó, "cặp đôi" Israel-Palestine cũng rất cần một “dàn nhạc” của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của nhóm Bộ tứ bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu) mới có thể "khiêu vũ" đồng điệu.

Quốc tế cần hành động thiết thực và quyết liệt, người dân Palestine và cả Israel mới mong sớm có thể chung sống yên bình và hòa hợp./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất