Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Thiếu tướng
Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Phó Giáo sư, Tiến sỹ
Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì
tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp
chí Cộng sản cho biết: Ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Nga (Bolshevik), đứng đầu là lãnh tụ V.I.Lênin, giai cấp công nhân
và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của
giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô – Viết. Cách
mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, soi sáng con
đường phát triển, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách
mạng Tháng Mười Nga khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của Chủ
nghĩa Mác - Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc
cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng
Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra chủ nghĩa xã
hội hiện thực, một kiểu phát triển xã hội mới công bằng, dân chủ hơn cho
thế giới. Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất
nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu, đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng từ
thực tiễn đó, mỗi nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện
thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, bước đầu xác
định trên thực tế một số quy tắc của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Những bài học đó đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân, những
người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu
tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh,
bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột...
Giáo sư Nguyễn
Đức Bình, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng
định: Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại rất nhiều bài học quý giá.
Người Việt Nam đầu tiên tiếp thu được chân lý của chủ nghĩa Lênin và ánh
sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Việt
Nam đầu tiên đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa
cũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chủ nghĩa yêu
nước đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu
tiên, trở thành người học trò Việt Nam xứng đáng nhất của Lênin với trên
nửa thế kỷ đấu tranh quên mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp và dân
tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã bắc cầu giữa Cách mạng Tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam, giữa
phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
Từ
khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chiến đấu không mệt
mỏi theo con đường mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra, không ngừng học
tập và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam những bài học
lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham
dự đã tập trung làm rõ về giá trị lý luận, thực tiễn của Cách mạng
Tháng Mười Nga, những giá trị không chỉ biểu hiện tính ưu việt của Cách
mạng Tháng Mười Nga mà còn là động lực cho sự tồn tại và phát triển của
nhân loại. Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung mang tính thực tiễn
như: Cách mạng Tháng Mười Nga và ảnh hưởng với Việt Nam; sự giúp đỡ to
lớn của Liên Xô đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống quân
xâm lược; sức hấp dẫn của Cách mạng Tháng Mười Nga với thanh niên, trí
thức Việt Nam đầu thế kỷ XX và hiện nay; Lãnh tụ Lênin và Cách mạng
Tháng Mười Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam; những
bài học quý của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Cách mạng Việt Nam…
TTXVN