Hội nghị hướng đến mục tiêu đưa ra các chính sách y tế lớn của khu vực. Thông qua đó, các chương trình, dự án cũng như ngân sách hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới được triển khai nhằm hỗ trợ các quốc gia chăm sóc sức khỏe cho 1,8 tỷ người dân trong khu vực.
Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Tổng thống nhấn mạnh, sự bùng nổ các dịch bệnh như Vi rút MERS-CoV và Ebola là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Một quốc gia khó có thể đạt được các kết quả bền vững mà không phối hợp với các quốc gia khác. Do đó, ông nhấn mạnh sự đoàn kết và sự hợp tác giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng, đồng thời đánh giá cao vai trò của Hội nghị tại khu vực như một cầu nối gắn kết các quốc gia cùng nhau giải quyết các thách thức chung đối với sức khỏe người dân trong khu vực và trên thế giới.
Ông Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu tại Hội nghị với nội dung trọng tâm là cam kết tiếp tục các cải cách để Tổ chức này hỗ trợ được các quốc gia nhiều hơn nữa trong việc giải quyết các thách thức về y tế, đặc biệt trong việc đối với với dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra tại một số quốc gia Tây Phi hiện nay.
Thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường có bài phát biểu tại Hội nghị. Trong đó, Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia thời gian qua trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Việt Nam cũng chia sẻ một số thành công nổi bật mà Việt Nam đạt được trong năm qua như: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 10 quốc gia đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong mẹ) và số 5 (giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi). Việt Nam cũng đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi vào tháng 6/2014 với một số điểm mới như quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mở rộng quyền lợi bảo hiểm và mức thưởng, phân tuyến khám chữa bệnh. Đây được coi như một trong những cốt mốc đánh dấu quá trình hướng đến bao phủ y tế toàn dân ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được các năng lực tối thiểu theo yêu cầu của Điều lệ Y tế Quốc tế, trên cơ sở áp dụng Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Tổ chức Y tế Thế giới (APSED).
Trong các ngày làm việc tiếp theo, Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận và đóng góp vào các chương trình nghị sự, trong đó sẽ có các tham luận quan trọng về các nội dung: sức khỏe tâm thần, phòng chống thuốc lá, chống kháng thuốc, ứng phó với thiên tai thảm họa và các chương trình chuyên môn kỹ thuật khác. Đặc biệt tại Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam cũng sẽ tái khẳng định đề nghị tiếp tục được ứng cử trở thành thành viên của Hội đồng Chấp hành toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới từ sau năm 2015, để có thể có nhiều đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng quốc tế và khu vực trong lĩnh vực y tế.
GT