Thứ Năm, 9/10/2014 21:43'(GMT+7)
Nhiễm khuẩn bệnh viện phần lớn là từ bàn tay các nhân viên y tế
Nhiễm khuẩn bệnh viện hiện là một thách thức lớn của ngành y tế, có nhiều nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó bàn tay nhiễm khuẩn của nhân viên y tế là một trong những nguyên nhân chính.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 100 triệu bàn tay nhân viên chạm vào bệnh nhân mỗi ngày và có hơn 1,4 triệu người nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.
Ở Việt Nam, điều tra năm 2005 tại 19 bệnh viện khu vực phía Bắc cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,7%.
Đó là thông tin được đưa ra tại "Hội nghị khoa học tuổi trẻ bệnh viện năm 2014" do Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội.
Đại điện cho nhóm nghiên cứu khoa học với đề tài "Nhận xét hiệu quả sát khuẩn bàn tay của rửa tay nhanh bằng cồn Softa - Man," báo cáo viên Đặng Mai Thanh cho biết những nghiên cứu gần đây đều cho thấy các biện pháp làm sạch khuẩn bàn tay (rửa tay, sát khuẩn tay) trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn lây lan các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn bệnh viện.
Hiện nay, xu thế chung là sử dụng các dung dịch chứa cồn để sát khuẩn tay vì hiệu quả sát khuẩn cao, nhanh, tiện lợi và dễ thực hiện.
Với những ưu thế đó, 100% nhân viên y tế có thể dễ dàng áp dụng biện pháp sát khuẩn này. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả sát khuẩn bàn tay của kỹ thuật rửa tay nhanh bằng cồn Softa-Man trên 50 nhân y tế công tác tại Khoa cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong năm 2013.
Kết quả cho thấy rửa tay nhanh bằng cồn Softa-Man hiệu quả sát khuẩn cao hơn rửa tay thường quy, tỷ lệ bàn tay tồn dư vi khuẩn thấp hơn, số lượng vi khuẩn tồn dư trên một bàn tay thấp hơn...
Đại diện nhóm nghiên cứu khoa học, báo cáo viên Bùi Thanh Thuyết cho biết nhiễm khuẩn huyết là một bệnh nhiễm khuẩn thường gặp, đặc biệt là trong các bệnh viện.
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 18-20 triệu ca nhiễm khuẩn huyết. Số lượng ca tử vong do nhiễm khuẩn huyết, nấm huyết khoảng từ 4,5 - 6 triệu ca/năm. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành "Nghiên cứu các căn nguyên nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giai đoạn 2010-2013" trên hơn 8.000 mẫu máu.
Khi đã xác định được căn nguyên thì việc sử dụng kháng sinh mới có hiệu quả cao góp phần cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo và giảm tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh trong điều trị.
Kết quả cho thấy các vi khuẩn thường gặp gây nhiễm khuẩn huyết là E.Coli (25,84%), K.pneumoniae (15,02%), P.aeruginosa (9,87%)... Hầu hết các vi khuẩn này là vi khuẩn đa kháng thuốc, chúng kháng lại đa số kháng sinh thường dùng trong bệnh viện...
Tại hội nghị, Thiếu tướng, giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối của toàn quân; đồng thời là bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia, là viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng.
Thời gian qua, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ trong công tác nghiên cứu và thực hành, Ban giám đốc Bệnh viện còn đặc biệt quan tâm, ủng hộ các phong trào hoạt động của tuổi trẻ với công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Bệnh viện đã xây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học trẻ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với công việc, đủ khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thiếu tướng Mai Hồng Bàng khẳng định Hội nghị khoa học tuổi trẻ bệnh viện năm 2014 là sự tiếp tục khẳng định quyết tâm của cấp chỉ huy trong huy động mọi tiềm năng, sức sáng tạo của đoàn viên, thanh niên tập trung nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Hội đồng khoa học bệnh viện đã thông qua 40 đề tài nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên ở cả 3 khối: Nội khoa, Ngoại-chuyên khoa và Cận lâm sàng.
Các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng vào lâm sàng các kỹ thuật cao, hiện đại có giá trị khoa học và thực tiễn cao góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Hội đồng khoa học bệnh viện đã lựa chọn 20 báo cáo tiêu biểu trình bày tại hội nghị này.../.
Theo VN+