Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 8/5/2009 11:1'(GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”

Ảnh: Minh Thế

Ảnh: Minh Thế

Tới dự có Ðại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện các bộ, ngành, ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố, tập đoàn kinh tế.

Nghị quyết 41-NQ/TW “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Bộ Chính trị (khoá IX) ban hành năm 2004. Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã tạo nên sự chuyển biến mới trong hoạt động bảo vệ môi trường của đất nước, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều yếu kém cả về nhận thức lẫn hành động. Việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 41 đề ra còn nhiều thiếu sót. Môi trường nước ta đang tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của kinh tế, quá trình CNH, đô thị hoá. Nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân vẫn thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo các cấp, các ngành và một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế. Bảo vệ môi trường chưa trở thành ý thức, nếp sống của mọi người dân. Nhiều tỉnh thành phố coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ các chỉ tiêu về môi trường. Nhiều nội dung kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 còn chậm được đánh giá, kiểm tra thường xuyên để có giải pháp khắc phục. Nhiều nơi sử dụng ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường vào mục đích khác. Trong chỉ đạo, điều hành, có nơi chỉ quan tâm tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường, buông lỏng quản lý nhà nước, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến.

Trong khi đó, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm sông, môi trường nước, không khí, đất, nhất là ở các thành phố lớn và các khu đô thị đều trong tình trạng nghiêm trọng. Việc thu gom chất thải vẫn còn nhiều khiêm tốn, thu gom chất thải rắn mới đạt 65%. Hầu hết rác thải chưa được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp. Trong khi đó, mới chỉ có 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 13 đô thị đã xây dựng được bãi chôn lấp.Tỷ lệ dân số được tiếp cận với môi trường vệ sinh và tỷ lệ dân số nông thôn đươc cung cấp nước sạch mới đạt đến mức trên 50%. Ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề rất lo ngại. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới đạt khoảng 20%.

Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành trong bối cảnh này, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường.

Chỉ thị tập trung vào 7 nội dung trọng tâm: Tổ chức kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW đối với cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ða dạng sinh học, sửa đổi, bổ sung các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự. Quy định các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường. Từng bước thực hiện thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường về thiệt hại môi trường; nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường.

Hướng dẫn triển khai Chỉ thị 29, đồng chí Phùng Hữu Phú khẳng định: đến nay, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 41 về cơ bản còn nguyên giá trị. Chỉ thị số 29 là bổ sung thêm, cập nhật hoá các giải pháp của Nghị quyết 41 mà năm 2004 chưa nảy sinh. Chỉ thị này nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ‎ý thức hành động và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nghị quyết 41; đồng thời có bổ sung những nhận thức mới, những chủ trương giải pháp mới, thiết thực, hiệu quả với từng địa bàn, địa phương, cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, môi trường vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta. Đồng chí yêu cầu toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị 29, xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý ‎ thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên ./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất