Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 30/4/2009 16:47'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường

 Ngày 22-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 gồm 20 nhiệm vụ giao cho các bộ,  ngành,  địa  phương  thực hiện. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 đã được xây dựng theo quan điểm phát triển bền vững, đồng bộ trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường. Lần đầu tiên trong các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của đất nước, có riêng một nhóm chỉ tiêu về môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2006, Luật Luật Đa dạng sinh học cũng đã được ban hành năm 2008 đã quán triệt và thể hiện đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 41.

Việc rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, cũng như việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường ngày càng được các bộ, ngành quan tâm nhiều, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các bộ, ngành và địa phương đang được kiện toàn, nhất là sau khi có Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23-5-2007 của Chính phủ qui định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế nhà nước. Nhiều tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90, 91, Ban quản lý khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn đã thành lập phòng, ban, bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách quản lý môi trường. Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công An và các phòng cảnh sát môi trường của 63 tỉnh,  thành  phố trên cả nước đã được thành lập nhằm góp phần nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.


Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang được xúc tiến thành lập ở các địa phương; đã có 672/674 quận, huyện thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ và Trường Sa).


Như vậy, hệ thống bộ máy tổ chức quản lý môi trường bước đầu đã được tăng cường, củng cố từ Trung ương đến cấp quận, huyện.


Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký nghị quyết liên tịch về phối hợp hành động  bảo  vệ  môi trường phục vụ phát triển bền vững với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Cựu chiến binh. Sự phối hợp hành động bảo vệ môi trường này đã huy động được đông đảo các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong 3.616 xã, phường báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 41, có đến 1630 xã, phường (chiếm 40,78%) có các tổ, đội thu gom rác thải. Một số các tổ, đội này do chính quyền cơ sở tổ chức, đa phần còn lại do nhân dân tự nguyện đứng ra tổ chức. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tư nhân đã đăng ký và được cấp phép hành nghề trong vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Ở nhiều đô thị, nhất là các đô thị loại 1: Thành phố Hồ  Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... khu vực tư nhân và hợp tác xã giữ vị trí quan trọng trong việc tái chế, tái sử dụng các loại chất thải. Nhiều mô hình tự quản về bảo vệ môi trường ở cụm dân cư, làng, xã hoạt động có hiệu quả và được phổ biến nhân rộng ở các địa phương khác. Các doanh nghiệp có quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã đầu tư các hệ thống xử lý chất thải bảo đảm các qui định của tiêu chuẩn môi trường khi thải ra môi trường xung quanh. Công tác bảo vệ môi trường ở nhiều doanh nghiệp có những tiến bộ nhất định


Từ năm 2006, kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường đã được bố trí chi không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Nguồn  chi  sự  nghiệp  môi  trường đã được hình thành và quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản có liên quan. Các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư (ngoài ngân sách nhà nước) cho hoạt động bảo vệ môi trường đang từng bước được bổ sung, hoàn thiện.


Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc xã hội hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường cũng đang được thực hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp về bảo vệ môi trường ra đời, nhiều dịch  vụ  công  về bảo vệ môi trường được cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện (tổ thu gom rác, công ty xử lý rác thải, công ty môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường,...), nhiều doanh nghiệp hướng tới sản xuất đi đôi với việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (Tổng Công ty GOSA: sản xuất gạch gỗ xuất khẩu từ gỗ vụn, bột gỗ). Theo số liệu báo cáo, có 324 xã, phường (xấp xỉ 10%) trong 3.616 xã, phường đã huy động được sự đóng góp của nhân dân cho các hoạt động vệ sinh môi trường.


Hệ thống các quỹ bảo vệ môi trường: Quỹ bảo vệ môi trường Việt  Nam,  Quỹ  bảo vệ môi trường của bộ, ngành và địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai,...) ngày càng phát triển, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư xử lý  ô  nhiễm,  xử  lý chất thải, triển khai các phương án bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, việc thực hiện Nghị quyết 41 vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần quan tâm khắc phục:


Một là, có không ít cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng mức, đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “nặng về kinh tế”, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường còn phổ biến ở nhiều cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp. Vì vậy, việc cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình hành động  của  bộ, ngành và địa phương còn chậm. Công tác kiểm tra, theo dõi việc triển khai  các  chương  trình,  kế   hoạch hành động đã được ban hành ở nhiều bộ, ngành và địa phương không làm thường xuyên, nghiêm túc nên tiến độ thực hiện chậm, kết quả đạt được còn hạn chế.


Hai  là,  công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư. Một bộ phận nhân dân chưa bỏ được thói quen  xấu  gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước. Ý thức của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề, về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao. Trong nông  nghiệp,   việc  sử  dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất không đúng quy định còn diễn  ra  phổ biến, ý thức về phòng  ngừa,  hạn chế gây ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế; nhiều khi các hộ còn thể hiện thái độ bất cần, bất hợp tác đối với cán bộ quản lý môi trường các cấp. Ý thức bảo vệ môi trường của một số lớn nhà máy,  xí nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh còn thấp, chưa chủ  động,  tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của cơ quan, đơn vị mình; vẫn chủ yếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ yếu tố bảo vệ môi trường; chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hoặc nếu có xây dựng thì hoạt động mang tính đối phó.  Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến. Nhiều vi phạm có tổ chức, tinh vi, một số hành vi có dấu hiệu tội phạm. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.


Ba là, hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến kinh tế môi trường, áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường (liên quan đến hệ thống thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường, quĩ môi trường, chi trả dịch vụ môi trường,...), hỗ trợ và ưu đãi đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Phần lớn chương trình, đề án, dự án thuộc Quyết định 34 của Chính phủ triển khai chậm. Việc lồng ghép các chương trình, đề án này với các nhiệm  vụ  chính trị của bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.


Bốn là, bộ máy tổ chức quản lý  nhà  nước  về  bảo  vệ môi trường tuy đã được tăng cường, nhưng còn thiếu về số lượng, hạn  chế  về năng lực. Trang thiết bị phục vụ cho công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi   trường  còn thiếu trầm trọng. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng còn kém hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp chồng chéo về chức năng, trong khi lại bỏ trống nhiệm vụ quản lý theo thẩm quyền. Ở địa phương, số lượng  án bộ quản lý môi trường ở  các Sở Tài nguyên và Môi trường còn quá mỏng, trình độ chuyên môn lại hạn chế, nên việc thực hiện công tác quản lý nhà nước bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh còn nhiều bất cập. Cơ cấu tổ chức và nhân sự của cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp tại địa phương hiện đang có sự mất cân đối trên nhiều mặt. Những bất cập này sẽ càng bộc lộ và trở nên gay gắt khi triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2005.  
         

Năm là, việc xã hội hóa công tác  bảo  vệ  môi  trường còn nhiều bất cập. Không ít hoạt động của các đoàn thể nhân dân còn mang tính hình thức, hiệu quả còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường chưa thực sự là  một  nhiệm  vụ chính trị thường xuyên của các đoàn thể nhân dân. Hoạt động bảo vệ môi trường chưa trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, thường xuyên và liên tục. Phối  hợp  liên  ngành,  địa  phương để giải quyết các vấn đề môi trường trong thời gian qua tiến  hành  chưa  đồng bộ và thiếu chặt chẽ, chưa đưa ra được các cơ chế, hình thức phối hợp có hiệu quả, chưa thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.


Sáu là, đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường còn rất thiếu và yếu kém. Đầu tư từ các tổ chức, cá nhân cho bảo vệ môi trường rất ít; đầu tư từ các nguồn ngân sách nhà nước  (ngoài  ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường) còn hạn chế;... Việc quản lý và sử dụng 1% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường mới bắt  đầu  thực  hiện, nên có những bất cập và khó khăn. Công tác xây dựng kế hoạch bảo  vệ môi trường ở các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Không ít địa phương chưa bố trí đúng và bố trí đủ mức kinh phí tối thiểu 1% cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường số 114/2006/ TTLT- BTC -BTNMT có một số điểm chưa rõ, nên khó thực hiện.


Những hạn chế, yếu kém nói trên cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường nhiều thách thức lớn cả trước mắt và lâu dài. Xuất phát từ thực tế đó, ngày 21 tháng 01 năm 2009 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”./.


ThS. Khuất Thị Yến
 Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất