Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,” các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò dân chủ đại diện; tập trung chỉ đạo, thực hiện thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân (tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,35%).
Việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai song song với kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các cấp...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề, tập trung vào một số nội dung như Công tác thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; kết quả, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc, sát với tình hình thực tế, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở - một vấn đề rất quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cơ bản tán thành nội dung Báo cáo, Tổng Bí thư phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề.
Tổng Bí thư nêu rõ cách đây hơn 20 năm, tháng 6/1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Tiếp sau đó, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.
Thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Chỉ thị 30, các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. Gần đây nhất, ngày 7/1/2016, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận 120 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tổng Bí thư đánh giá, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên.
Tổng Bí thư chỉ rõ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, dồn điền, đổi thửa... tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua...
Có được những kết quả nêu trên là do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng và tích cực tham gia. Đặc biệt là, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều cố gắng, tích cực hoạt động, đề cao trách nhiệm tham mưu với cấp uỷ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm theo các cụm, khu vực để nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, yếu kém.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin...
Tổng Bí thư nêu một thực tế lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất. Việc nắm tình hình nhân dân và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng còn bất cập. Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật...
Thống nhất cao với những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả.
Tổng Bí thư đề nghị nơi nào đã làm tốt rồi thì cần duy trì và làm tốt hơn; nơi nào làm chưa tốt hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đôn đốc, chấn chỉnh, giúp đỡ để thực hiện tốt dần lên. Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hóa, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng.
Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Tổng Bí thư nêu rõ các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài; Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho việc thực hành dân chủ ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động phong phú, đa dạng của đời sống xã hội.
Nhấn mạnh một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị, Tổng Bí thư yêu cầu từng đồng chí bí thư cấp uỷ, từ trung ương đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng thời nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp; Báo chí đưa tin, bình luận phải khách quan, trung thực, đúng bản chất vấn đề, sự việc, định hướng đúng dư luận xã hội.
Tổng Bí thư mong rằng sau Hội nghị này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp, giành nhiều kết quả mới to lớn hơn, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Kết luận Hội nghị, bà Trương Thị Mai thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, khẳng định sẽ tiếp tục nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tình hình mới.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, nêu cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến cuộc sống, lợi ích của nhân dân; đảm bảo dân chủ đi đôi với kỷ cương, pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức xã hội./.
TG