Đánh giá về chất lượng kỳ họp, bên lề Quốc hội các đại biểu cho rằng đây là kỳ họp hiệu quả vì đã quyết định được nhiều vấn đề lớn của đất nước; khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong Quốc hội.
Chiều 27/11, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, sau hơn một tháng làm việc nghiêm túc.
Đánh giá về chất lượng kỳ họp, bên lề Quốc hội các đại biểu cho rằng đây là kỳ họp hiệu quả vì đã quyết định được nhiều vấn đề lớn của đất nước, đồng thời tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Nhận xét kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV là kỳ họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho biết, các đại biểu Quốc hội cũng như các thành viên Quốc hội rất tích cực, khẩn trương, tập trung cao độ khả năng và tâm trí vào công việc trong toàn bộ những ngày qua.
Điều đó có thể nhận thấy qua việc kỳ họp đã thông qua rất nhiều luật, bộ luật sửa đổi, bổ sung cũng như các luật mới.
“Quốc hội đã tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội; đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân. Đó cũng là điểm dân chủ của Quốc hội,” đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhận xét.
Riêng với kỳ chất vấn, đại biểu Đoàn Khánh Hòa cho rằng các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ tham gia phiên chất vấn đã trả lời gần như đầy đủ các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, có thể do thời gian trả lời chất vấn không dài nên có những vấn đề các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ trả lời chưa được thấu đáo, chưa như mong đợi của đại biểu và cử tri.
Nhiều đại biểu cũng muốn hỏi hoặc tiếp tục tranh luận, chất vấn nhưng cũng vì lý do thời gian không đủ. “Tuy nhiên, tôi cho rằng kỳ chất vấn lần này đã đạt kết quả tốt,” bà Nguyễn Thị Xuân Thu nêu ý kiến.
Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho biết, kỳ họp lần này đã quyết định rất nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, từ công tác xây dựng pháp luật đến quyết định những vấn đề liên quan đến kinh tế-ngân sách.
Tất cả những nội dung kỳ họp thông qua đều được hoàn thành tốt.
Nhận xét hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục khẳng định sự hiệu quả và thực chất hơn, đại biểu Chu Lê Chinh nêu rõ: Phiên chất vấn kỳ này có đổi mới là tăng thêm một buổi, là ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn.
Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Giữa câu hỏi của đại biểu Quốc hội với phần trả lời chất vất của các thành viên Chính phủ đều có trách nhiệm hơn, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh trách nhiệm và nội dung hỏi cũng như trả lời rất rõ ràng.
Chủ tọa phiên chất vấn cũng rất kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm.
“Tôi thấy đó là tinh thần ngày càng đổi mới của Quốc hội chúng ta và mong rằng tinh thần đổi mới đó ngày càng được phát huy.
Tôi cũng mong rằng trong thời gian tới trên cơ sở tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội (sẽ sửa đổi tới đây), hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả, gần dân hơn và hoạt động của Chính phủ sẽ quyết liệt hơn trước sự mong đợi, giám sát của cử tri,” đại biểu đoàn Lai Châu bày tỏ.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), thời gian dành cho kỳ họp lần này khá dài cho thấy khối lượng công việc mà Quốc hội thực hiện trong kỳ họp này là rất lớn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như phê duyệt Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn... được cử tri cả nước quan tâm, ủng hộ.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng để luật đi vào thực tiễn cuộc sống, yếu tố thứ nhất là hệ thống văn bản hướng dẫn luật phải được soạn thảo một cách đồng bộ, kỹ lưỡng và kịp thời với việc ban hành luật.
Hiện nay, các luật của chúng ta đã bắt đầu chú trọng tới việc khắc phục tính chất luật khung, luật ống bằng cách Quốc hội đã hạn chế những điều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, kỳ họp lần này đã có rất nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ những công việc có tính chất chức năng của Quốc hội với sự hỗ trợ từ giới truyền thông đã tạo ra được hiệu ứng xã hội ngày càng cao, người dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, kết quả của kỳ họp vẫn chưa hoàn toàn theo kịp mong muốn của cử tri, nhất là những lĩnh vực gắn với đời sống của người dân như vấn đề giáo dục, giao thông, an toàn thực phẩm...
Đánh giá về chất lượng kỳ họp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng mỗi kỳ họp đều có điểm riêng đem lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu. Kỳ họp thứ 8 sử dụng quá nhiều thời gian là chưa hợp lý.
Nhiều đại biểu hiện đang làm công tác quản lý tại các cơ quan Nhà nước, nhất là cơ quan hành pháp, họ mất khá nhiều thời gian cho việc đi họp, ảnh hưởng đến công việc của ngành, đây là điểm mà Quốc hội nên cải tiến trong các kỳ họp tới.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, kỳ họp lần này tiếp tục phát huy được vai trò dân chủ bởi các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những quan điểm của mình trong các phiên thảo luận cũng như chất vấn.
Tuy nhiên, theo đại biểu, kỳ họp lần này dành nhiều thời gian vào việc thảo luận về tính cần thiết ban hành các đạo luật là chưa hợp lý, nên chú trọng, bàn kỹ hơn về nội dung của các đạo luật.../.
Theo TTXVN