Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/12/2013 22:4'(GMT+7)

Tiếp tục kiểm soát, hạn chế đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường

Xuất khẩu 2013: Sẽ vượt mục tiêu (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu 2013: Sẽ vượt mục tiêu (Ảnh minh họa)

Ngày 2/12, Bộ Công thương họp báo thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Tại buổi họp báo đại diện Bộ Công thương đã thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 11 và 11 háng đầu năm 2013 và các biện pháp thực hiện trong tháng 12 năm  2013.

Về hoạt động sản xuất công nghiệp, báo cáo cho biết: 
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 4,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,8%. Những ngành có tốc độ tăng cao gồm: chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 20,6%; sản xuất bia tăng 14,0%; sản xuất thuốc lá tăng 16,6%; sản xuất sợi tăng 44,9%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 50,9%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 17,2%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 15,3%; sản xuất xi măng tăng 10,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,1%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 11,7%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 52,5%; sản xuất thiết bị điện các loại tăng 79,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,7%... Tuy nhiên, những ngành giảm so với cùng kỳ gồm: khai thác dầu thô giảm 3,2%; khai thác khí đốt tự nhiên giảm 16,3%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 3,4%; sản xuất phân bón giảm 10,3%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 10,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 6,9%...

Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%, cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,2%. Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm: sản xuất đồ uống tăng 9,0%; sản xuất sợi tăng 24,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 40,5%; may trang phục tăng 11,4%; sản xuất giày, dép tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,4%; sản xuất pin và ắc quy tăng 14,0%; sản xuất thiết bị điện các loại  tăng 21,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,1%... Tuy nhiên, một số ngành giảm gồm: sản xuất sắt, thép, gang giảm 3,0%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 1,7%...

Tình hình tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản xuất thuốc lá tăng 21,8%; sản xuất vải dệt thoi tăng 31,5%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 28,4%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 17,9%; sản xuất giầy, dép tăng 14,3%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 18,5%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 27,4%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 32,6%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 27,4%; sản xuất pin và ắc quy tăng 17,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 54,7%...

Tính chung 10 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành tiếp tục có mức tiêu thụ tăng do tiêu dùng cuối năm và trả nợ đơn hàng như: sản xuất bia tăng 11,2%; sản xuất thuốc lá tăng 7,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 35,8%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 10,5%; sản xuất giày, dép tăng 30,6%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 17,6%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 13,4%; sản xuất pin và ắc quy tăng 22,0%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 28,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 40,2%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 28,0%... Tuy nhiên, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 0,5%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 11,1%..

Tình hình tồn kho: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01 tháng 11 năm 2013 tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012, trong đó: một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: chế biến sữa và các sản phẩn từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất giầy, dép tăng 2,1 lần; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 87,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 30,1%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 25,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 83,8%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 32,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 84,0%...

Đặc biêt, mưa bão nhiều vùng trong cả nước đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư. Tuy nhiên, nguồn cung dồi dào, giá cả không biến động nhiều là những yếu tố tích cực ổn định thị trường trong nước. Thời tiết  chuyển mùa và cũng là dịp mua sắm cuối năm nhưng giá hàng hóa tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ do giá thế giới giảm. Những sản phẩm là đầu vào cho sản xuất cũng được kích cầu bằng cách rút ngắn chi phí gián tiếp để giảm giá sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức các hoạt động khuyến mại trực tiếp bằng cách giảm giá hàng bán, đồng thời, chuẩn bị hàng hóa phong phú, đa dạng để người dân có thêm cơ hội lựa chọn. Vì vậy, thị trường nhộn nhịp hơn mặc dù sức mua vẫn còn yếu: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 11 ước đạt 226,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 10; tính chung 11 tháng ước đạt 2.386,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng là 5,54%). Xét theo ngành kinh tế, 11 tháng so với cùng kỳ, ngành thương nghiệp ước đạt 1.832,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% và chiếm tỷ trọng 76,8 %; khách sạn, nhà hàng đạt 287,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% và chiếm tỷ trọng 12,1%; du lịch đạt 22,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và chiếm tỷ trọng 0,93%; dịch vụ đạt 243,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% và chiếm tỷ trọng 10,2%.

Chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát, hạn chế được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao ở một vài địa phương nhưng giá xăng dầu giảm làm giảm chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 5,5% so với tháng 12/2012. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm tăng 6,65% so với cùng kỳ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 03 tháng 6 năm 2013 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013. Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2013 và thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-BCT ngày 06 tháng 11 năm 2013 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đề nghị các Vụ/Cục/Tổng cục; các đơn vị hành chính, sự nghiệp; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp thuộc Bộ bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp cụ thể sau:

1. Tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng, miền; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

2. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá và chống chuyển giá; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.

3. Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Phát huy hiệu quả các dự án đã hoàn thành và đã đi vào hoạt động.

4. Các doanh nghiệp tổ chức rà soát, cân đối đủ nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm 2014, trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu, phương án huy động các nguồn vốn hợp lý, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án và đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp.

5. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ); phối hợp rà soát, bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

6. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tích cực thực hiện các giải pháp để đảm bảo sản xuất và cung ứng điện cho sản xuất cũng như tiêu dùng tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và hoàn thành các nhà máy điện, đường dây, lưới điện để phát huy công suất cho hệ thống; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

8. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên: thực hiện tiết kiệm thêm 10,0% dự toán chi thường xuyên còn lại của tháng cuối năm; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp thiết... tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ cơ quan Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ.

9. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, về quy hoạch tổng thể thủy điện, chuẩn bị tổng kết hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại năm 2013 và kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2014 phù hợp với các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương./.


Vân Khánh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất